Liên quan đến thông tin Hà Nội đặt hàng làm riêng sữa học đường (SHĐ) cho học sinh (HS) thủ đô, bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng nói như vậy là phi lý vì không có một quy trình nào sản xuất sữa riêng đối với sữa đại trà, trừ sản phẩm sữa công thức.
Quan trọng là đúng chất lượng, an toàn
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, bản thân sữa đã là một sản phẩm khá hoàn chỉnh về vi chất dinh dưỡng nên không nhất thiết phải bổ sung vi chất này, vi chất khác cho nhóm trẻ học đường. Việc triển khai chương trình SHĐ nên khuyến khích nhưng phải tùy thuộc từng vùng, từng khu vực.
"Hiện nay, tại TP Hà Nội, đa phần phụ huynh (PH) đều bắt trẻ em uống sữa nhưng tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì số lượng trẻ uống sữa hằng ngày không nhiều. Việc nâng cao tầm vóc không chỉ phụ thuộc mỗi việc uống sữa mà còn nhiều vấn đề khác như: môi trường sống, tăng cường vận động, tăng cường thể lực..." - ông Thịnh nói.
Một chuyên gia về dinh dưỡng cho trẻ em tại TP HCM cũng cho rằng không cần phải có công thức hoặc tiêu chuẩn riêng cho SHĐ. Quan trọng là sản phẩm chọn làm SHĐ phải bảo đảm đúng chất lượng, an toàn theo chuẩn chung của nhà nước.
Trong khi đó, đứng trên quan điểm của PH, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (quận Gò Vấp, TP HCM) băn khoăn sữa riêng là sữa gì? Vậy loại sữa trước nay trẻ uống không đủ chất lượng hay sao? Ai chứng nhận cho loại sữa làm riêng này đủ tiêu chuẩn, chất lượng, dinh dưỡng? Ai chịu trách nhiệm khi có hiện tượng ngộ độc xảy ra…?
Đại diện một trong các doanh nghiệp (DN) sữa tham gia đấu thầu cung cấp SHĐ cho Hà Nội cho rằng đưa sữa vào học đường là việc không thừa bởi ngay ở các TP lớn vẫn có một bộ phận người thu nhập thấp không đủ điều kiện cho con uống sữa hằng ngày. Tuy nhiên, đa số PH lo ngại loại sữa dùng trong nhà trường khác với sữa dùng ở nhà (của 2 DN sữa khác nhau) dẫn đến tình trạng trẻ quen với vị sữa PH cho uống ở nhà sẽ không uống khẩu phần được phát trong trường hoặc ngược lại. Ngoài ra, cần minh bạch về điều kiện đấu thầu, giá trúng thầu và đơn vị trúng thầu cho các công ty sữa và PH biết. Chính phủ Thái Lan cũng triển khai chương trình SHĐ, họ không chọn một DN cung cấp sữa độc quyền mà cho nhiều DN cùng tham gia cung ứng với tỉ lệ nhất định và cùng mức giá để các bé có sự lựa chọn tùy sở thích.
Học sinh mầm non là một trong những đối tượng nằm trong chương trình sữa học đườngẢnh: Tấn Thạnh
TP HCM cũng áp dụng chương trình SHĐ
Tại TP HCM, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo TP đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo đề án chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mầm non và HS tiểu học giai đoạn 2018-2020. HS uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần uống 180 ml/hộp và được uống trong 9 tháng của năm học. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.420 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 470 tỉ đồng, PH đóng góp hơn 640 tỉ đồng, DN cung cấp sữa hơn 298 tỉ đồng. HS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; con công nhân đang làm việc tại KCX-KCN, khu công nghệ cao; trẻ em sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường thực hiện đề án: TP hỗ trợ 50%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 50%. HS thuộc đối tượng còn lại: TP hỗ trợ 30%, PH đóng góp 50%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%.
Tiêu chuẩn sữa thực hiện trong đề án theo quy định tại QCVN 5-1:2010/BYT ban hành ngày 2-6-2010 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng. Đơn vị cung cấp sữa cung cấp được tài liệu chứng minh hàng hóa chào thầu của mình đã được công bố phù hợp với các quy định tại QCVN 5-1:2010/BYT, Quy định số 5450/QĐ-BYT.
Ngoài ra, đơn vị cung cấp sữa phải là DN đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia; cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa được sản xuất bởi đơn vị có chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001; ISO 14001:2004; FSSC 22000...; hỗ trợ cơ sở vật chất để bảo quản sản phẩm theo số lượng HS từng điểm trường; có khả năng cung ứng sữa kịp thời, không bị gián đoạn…
Bắt buộc phải thực hiện
Ngày 28-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, chia sẻ chương trình SHĐ là Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, việc của sở là phải thực hiện theo nghị quyết. Chương trình được triển khai trên tinh thần tự nguyện. Nếu PH không đồng ý thì có quyền không tham gia hoặc nếu thấy sữa không phù hợp với con trẻ thì có thể được dừng lại. Hiện đã có một số DN tham gia đấu thầu, thời gian đóng thầu là hết ngày 1-10. Chương trình sẽ lựa chọn những DN lớn, có uy tín. Về chất lượng sữa, trước khi đưa hộp sữa đến tay HS thì đã trải qua nhiều cơ quan, nhiều khâu thẩm định, hơn nữa chất lượng sữa còn quyết định đến sự sống còn của DN nên sẽ không có chuyện sữa kém chất lượng.
Bình luận (0)