Thư kêu gọi: "Tổ quốc cần, cả nước chung tay"
Cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng. Để tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng chống dịch dấy lên mạnh mẽ, từ ngày 5-5, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay".
Tại Việt Nam, những ngày qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ tương tự biến chủng ở Anh, hết sức nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Do đó, trong thời gian tới, khả năng sẽ có nhiều ca bệnh dương tính trong cộng đồng ở các địa phương của nước ta.
Hiện tại, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang cùng đồng lòng, chung sức vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Báo Người Lao Động hy vọng qua lời kêu gọi này, chương trình sẽ lan tỏa rộng rãi; người có tiền, góp tiền; người có của, góp của; người có sức, góp sức...
Toàn bộ sự đóng góp của cá nhân, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp... sẽ được Báo Người Lao Động sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19, bao gồm hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm căng mình bảo vệ tuyến biên giới, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly...
Mọi sự đóng góp xin chuyển vào tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay".
Ban Biên tập
Đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại Campuchia khiến nhiều người tìm cách về Việt Nam, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. An Giang là tỉnh có đường biên giới giáp nước bạn, nên những ngày qua cán bộ, chiến sĩ ở đây đã ngày đêm tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở.
Siết chặt quản lý biên giới
Đây cũng là thời điểm An Giang bắt đầu bước vào mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa đến bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các tổ, chốt phòng chống dịch. Biên giới An Giang với địa hình đồng bằng, nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch rất thuận lợi cho việc qua lại hai bên biên giới của cư dân sinh sống sát vùng biên. Điều kiện địa hình, phân bố dân cư vì thế cũng gây khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là phòng chống các hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh An Giang đã phát hiện, xử lý 721 vụ với 1.645 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tính đến ngày 4-5, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 là công dân trở về từ Campuchia (hiện đã được cách ly, điều trị).
Thời điểm này cũng là lúc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp diễn ra. Với những sự kiện trọng đại này cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vất vả nhất, tập trung nhất, công tác sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Đã hơn 1 năm, để hoàn thành tốt "nhiệm vụ kép" vừa bảo vệ biên giới gắn với phòng chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng An Giang vẫn căng mình khắc phục khó khăn, gian khổ; hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng tư để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Từ chỗ thành lập 136 chốt, đến nay toàn đơn vị đã tăng cường lên thành 200 chốt với khoảng cách 500 m/chốt để siết chặt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, không để lọt bất kỳ đối tượng nào xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ chốt số 10 Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phổ biến nhiệm vụ trước khi tuần tra kiểm soát
Tình quân dân trong đại dịch
Tại chốt phòng chống dịch bệnh số 13 thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn ban ngày nắng như thiêu như đốt, đến chiều tối tạm dịu nhưng cảm giác oi nồng vẫn hiện hữu. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thay phiên nhau tắm giặt, quây quần ăn cơm dưới ánh sáng của đèn năng lượng mặt trời. Có hôm mọi người vừa ăn vừa "chạy muỗi", miếng cơm vào trong miệng cũng mất ngon bởi tiếng "muỗi kêu như sáo thổi".
Nhưng so với nhiều tổ, chốt khác, chốt 13 còn khá đông vui vì có mấy nông dân làm hàng xóm, cùng nhau giữ biên giới, là chỗ dựa vững chãi thắm tình quân dân trong giai đoạn khó khăn này.
Chúng tôi gặp lại ông Đỗ Văn Nhẫn - ngụ ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Ông là "kiến trúc sư" của chốt phòng chống dịch Covid-19 vượt lũ kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh An Giang. Sau đó, ông đã huy động người nhà, hàng xóm tiếp tục giúp Đồn Biên phòng Nhơn Hưng xây dựng tất cả chốt còn lại mà không lấy tiền công. Đến nay, ông vẫn thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ, tiếp tế vật chất cho cán bộ, chiến sĩ các tổ, chốt trên biên giới. Ông cũng là thành viên tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cung cấp hàng trăm tin tức có giá trị liên quan đến an ninh - trật tự khu vực biên giới cho đồn biên phòng.
"Tôi thấy cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng quá vất vả nên mong góp chút công sức để cùng nhau vượt qua đại dịch. Hơn nữa, đây còn là tình yêu mảnh đất biên ải quê hương nơi tôi sinh ra, lớn lên" - ông Nhẫn chia sẻ.
Với gần 100 km đường biên giới, nhiều đường mòn, lối mở, đường sông… nhưng với hàng triệu tai mắt, hàng triệu tay chân là quần chúng nhân dân, tuyến biên giới tỉnh An Giang luôn giữ vững chủ quyền, an ninh trong mọi tình huống, không để dịch Covid-19 xâm nhập qua biên giới, lây lan ra cộng đồng. "Họ xứng đáng là những "cột mốc sống", những "chiến sĩ không quân hàm" trong công cuộc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh - trật tự biên giới, trở thành cánh tay nối dài giữa Đảng, nhà nước, quân đội với nhân dân" - đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, nhấn mạnh.
Lan tỏa tình yêu thương
Với ý tưởng cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 và là cầu nối để kết nối sự đồng cảm, quan tâm của các tổ chức, cá nhân đối với lực lượng y tế, bộ đội biên phòng, tình nguyện viên... đang ngày đêm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh, đầu tháng 3-2020, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19"; tiếp đó là chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" giúp người lao động bị ảnh hưởng thu nhập, người già yếu, neo đơn; nhiều mái ấm nhà mở.
Ngay sau khi phát động, cả 2 chương trình đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Chương trình "Cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19" đã được bạn đọc, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm chuyển tặng đến đội ngũ y, bác sĩ, bộ đội, lực lượng biên phòng, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch các dụng cụ trang bị phòng dịch: 51.321 khẩu trang; 6.500 chai nước rửa tay sát khuẩn; 900 tấm chắn giọt bắn, 6.000 trang phục phòng hộ y tế và nhiều vật phẩm thiết yếu khác.
Chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" nhận được 56,620 tấn gạo; 30.314 quả trứng gà; hàng chục ngàn phần thực phẩm các loại.
Tổng số tiền mặt 2 chương trình nhận được là 3.150.556.237 đồng.
Ngoài trao quà trực tiếp tại 3 cây "ATM thực phẩm miễn phí" (gồm 11.430 suất, mỗi suất 1 kg - 2 kg gạo và 1 phần thực phẩm các loại), từ tháng 3-2020 đến nay, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã tổ chức 22 đoàn đi thăm trực tiếp và tặng quà (gồm tiền mặt, máy đo thân nhiệt cầm tay, khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay diệt khuẩn, tủ cấp đông, gạo, nước ép, thực phẩm các loại...) đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt trạm kiểm soát dịch bệnh, đồn biên phòng, một số địa phương vùng tâm dịch... Điển hình, đoàn đã thăm và tặng quà cho Bộ Tư lệnh TP HCM, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Khu cách ly quận Gò Vấp, Khu cách ly Doanh trại Sư đoàn 317 (huyện Hóc Môn, TP HCM), Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và Đồn Biên phòng Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An), Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp... Đặc biệt, ngày 6-8-2020, Báo Người Lao Động chuyển tặng 2 tỉ đồng, 150 tấn gạo cùng 6.000 trang phục phòng hộ y tế (tổng trị giá gần 5 tỉ đồng) hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 tại 2 vùng tâm dịch là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Tùng Phượng
Bình luận (0)