Thông dụng nhất là tiền, vàng miếng, nhà, quần áo, vải, trang sức. Cao cấp hơn là nhà, xe…. Chỉ cần nói cúng gì, cầu gì, người bán vàng mã sẽ nhiệt tình bán cho trọn bộ và cứ thế mà xỉa tiền trả. Không mặc cả, trả giá. Dù mấy món hàng âm này không hề rẻ chút nào.
Trong dịp cúng tất niên, má chồng tôi đã bỏ ra hơn 200.000 đồng để mua quần áo và tiền bạc các loại để đốt cho ông bà ngoại. Thấy bà ngoại chịu chi cho mớ tiền, vàng giả, mấy đứa cháu thắc mắc: "Chắc gì ông bà mình còn để được hưởng? Giờ ông bà cũng đã đi đầu thai cả". Má chồng tôi bảo, kệ, cứ đốt, ông bà người ta có mà ông bà mình không có thì buồn, "sẽ quở con cháu". Đó là cách để thể hiện lòng hiếu kính, thương nhớ ông bà, cho ông bà không phải "sống khổ" ở...cõi âm.
Dù nhà tôi hơn 20 năm qua không đốt miếng vàng mã nào nhưng tôi cũng không dám mở miệng ngăn can vì mỗi nhà mỗi cảnh mà. Vả lại, phận làm dâu con, nói ra sẽ bị trách cứ này nọ nên đành làm theo. Cứ từ má chồng tôi, chắc chắn các con cháu cũng sẽ làm theo dù biết là nó chẳng có lợi gì nhiều. Cứ đời này qua đời khác. Chẳng phải sư thầy nào nói cả, mà do người bán vàng mã vẽ cho "xôm" thôi.
Đó mới là chuyện thờ cúng ông bà. Nhiều người buôn bán làm ăn, lên chùa Ông, miếu Bà xin lộc cầu may. Nếu năm nào làm ăn khá giả, nghĩ ông độ, bà hiển linh, nên trả lễ nào gạo, nào heo quay, quần áo, tiền bạc âm dương tưng bừng. Thế là nhang khói mù trời, hóa vàng nghi ngút. Ban trị sự các đình, chùa, miếu thì đâu có công để khuyến nghị các lòng thành đó bớt đốt, ít hóa, chỉ nhận các lộc mà khách dâng cúng. Nói ra sợ người đi chùa phiền lòng, không đến thì chùa sẽ như chùa bà Đanh nên đành cẩn thận củi lửa, chiều lòng khách thập phương vậy.
Ngồi hóa vàng mệt mỏi cái mớ vàng mã đó gần 30 phút, tôi tiếc cho mớ tiền mà má chồng tôi đã đốt. Sao cứ mê muội, máy móc làm theo tập tục bao đời. Tự do tín ngưỡng là không quan tâm chuyện an toàn cháy nổ, môi trường….? Và chuyện bỏ tục đốt vàng mã này không thể chỉ dựa vào chùa để khuyến nghị mọi người mà theo tôi thì hãy thực hiện nó bằng cách cải tạo tư tưởng, nhận thức của mỗi thành viên trong gia đình, dòng tộc.
Phép vua thua lệ làng. Nếu tư tưởng văn minh này được các trưởng bối trong dòng tộc, trong làng, xã thông qua và áp dụng vào trong hương ước, quy chế của tộc, khu vực mình ở thì dù muộn và lâu dài vẫn có thể thực hiện được. Dù không thể hạn chế mọi người trong một sớm một chiều, hy vọng sau một thời gian đả thông tư tưởng của các bậc tiền bới, lớp trẻ sẽ bớt dần đi những hủ tục tốn kém và gây ô nhiễm môi trường như thế này.
Bình luận (0)