Ô nhiễm không khí (ÔNKK) được xem là nguyên nhân lớn nhất gây bệnh tật và tử vong sớm trên toàn cầu. Người dân Việt Nam đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ ÔNKK.
Hà Nội: Vượt chuẩn cho phép
Thông tin người dân Hà Nội đang phải sống trong tình trạng ÔNKK ở mức báo động vừa được Trung tâm Phát triển và Sáng tạo xanh (GreenID) công bố, một lần nữa khiến người dân thực sự lo lắng. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ÔNKK được cảnh báo. Đã có thời điểm thủ đô Hà Nội còn được cảnh báo đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các TP ÔNKK nhất thế giới.
Cụ thể, mới đây, dựa trên cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 TP được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
Theo dữ liệu mới của GreenID, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí ở TP HCM tốt hơn Hà Nội dù so cùng kỳ 3 năm gần đây, chất lượng không khí tại TP HCM có xu hướng xấu dần. Chất lượng không khí tại Hà Nội trong giai đoạn này vẫn không tốt với nồng độ bụi PM2.5 trung bình 63,2 µg/m3, gần gấp đôi TP HCM.
Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ÔNKK của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO. Kết quả này dựa trên dữ liệu thu thập tại trạm quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Phân tích về các nguyên nhân gây ÔNKK tại Hà Nội, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho rằng mật độ phương tiện giao thông (PTGT) tăng khí thải ra môi trường quá lớn; khói bụi từ các công trình xây dựng đô thị, các cơ sở sản xuất nhà máy xi-măng, nhà máy nhiệt điện xung quanh thủ đô. Ngoài ra, nguồn ô nhiễm từ dân đốt rác, rơm rạ và đun nấu bằng than tổ ong nhiều. Thời gian gần đây, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, như: chương trình trồng cây xanh; đầu tư cơ giới hóa xe hút bụi; siết chặt hoạt động của xe chở bùn, chở đất, phế thải vào ban đêm; đưa xăng E5 thay thế xăng RON92...
Nguồn ô nhiễm chủ yếu từ các phương tiện giao thông Ảnh: Nguyễn Hưởng
TP HCM: Nhiều loại khí độc ở ngưỡng cao
Từ đầu năm 2018 đến nay, TP HCM đã đối mặt ít nhất 2 đợt "mù khô" cho thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng. Theo thống kê từ Trung tâm Quan trắc TN-MT, Sở TN-MT TP HCM, kết quả đo từ các trạm quan trắc vào tháng 3-2018, hầu hết khí độc như NO2, O2, CO ở ngưỡng cao, vượt quá quy chuẩn cho phép. Những nơi được cho là vừa ô nhiễm môi trường vừa ô nhiễm tiếng ồn tập trung khu vực cầu vượt An Sương, ngã tư Hàng Xanh, ngã sáu Gò Vấp, cảng Cát Lái…
"Nồng độ các loại khí độc ở TP đang có xu hướng gia tăng, nhất là các khung giờ từ 7-9 giờ và 16-20 giờ hằng ngày. Việc gia tăng như vậy cho thấy ÔNKK bị tác động mạnh bởi khí thải ở các PTGT" - một lãnh đạo Trung tâm Quan trắc TN-MT đưa ra nhận định và cho biết TP HCM cũng phải gánh chịu nguồn khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp ở 2 tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Trong khi đó, mảng xanh như công viên bị thu hẹp, nhiều nơi đang xây dựng ồ ạt dẫn đến ô nhiễm không được kiểm soát. Giải pháp đưa ra chỉ có thể hạn chế các phương tiện cá nhân, kiểm soát nguồn khí thải từ các nhà máy.
Nhiều bất lợi cho sức khỏe
Theo WHO, ÔNKK là khi thành phần của không khí bị thay đổi, chất độc hại thải vào môi trường vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường. Chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây bệnh về đường hô hấp, tim, ung thư.
Theo GS-TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, các chất ô nhiễm có trong không khí sẽ đi qua đường hô hấp trên rồi xuống đường hô hấp dưới, vào đến các phế nang, từ đó khuếch tán vào trong máu và đi khắp cơ thể. ÔNKK ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp) sẽ bị nặng lên, thậm chí phải cấp cứu vì suy hô hấp.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc lâu dài với nồng độ ô nhiễm trong không khí cao sẽ gây ra các tổn thương khác ở phổi như: viêm mạn tính, thậm chí là ung thư phổi. ÔNKK còn ảnh hưởng tới cơ quan khác như tim mạch, nhất là người đã có bệnh lý hẹp động mạch vành, dễ bị nặng lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực tăng lên. Ở các TP lớn, nguồn ô nhiễm chủ yếu từ các PTGT, khói bụi, sau đó mới đến các nguồn ô nhiễm khác.
Chỉ số bụi và tiếng ồn không đạt
Ngày 18-5, tại buổi họp sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường ở TP HCM giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, thông tin TP đặt mục tiêu giảm 70% ÔNKK do các PTGT phát thải ra môi trường vào năm 2020. Hiện TP có 12 vị trí đo đạc các chỉ số ÔNKK do các PTGT gây ra đặt ở các cửa ngõ TP cho thấy các chỉ số về bụi và tiếng ồn đều không đạt.
TP đặt mục tiêu đến năm 2020 có 90% khí thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn khi thải ra môi trường. Đối với các cơ sở trước đây chưa có hệ thống xử lý khí thải, sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, xử lý buộc phải lắp đặt hệ thống xử lý khí thải công nghiệp. Đối với các cơ sở mới thành lập sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, quy định bắt buộc phải có hệ thống xử lý khí thải thì mới được phép hoạt động.
S.Đông
Bình luận (0)