Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cách đây không lâu, số xe khách tai nạn ban đêm ở nước này lớn gấp 3 lần ban ngày.
Còn ở Việt Nam, tai nạn ban đêm chiếm khoảng một nửa số vụ TNGT. Đây là con số thật sự đáng sợ và ám ảnh. Bởi mật độ phương tiện lưu thông trên đường vào ban đêm thấp hơn ban ngày rất nhiều khi so sánh chéo tỉ lệ %.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam, cao điểm TNGT xảy ra từ 21 giờ đến 3 giờ và phần lớn là các tuyến dài trên 300 km.
Thế nhưng hiện nay, hầu hết các hãng, các tuyến xe khách đăng ký lịch trình chạy vào ban đêm bởi phụ thuộc quy luật cung - cầu của thị trường, hành khách thích chọn di chuyển vào ban đêm do không ảnh hưởng đến lịch trình cố định ban ngày, lại có thể tranh thủ ngủ nghỉ thêm trong quá trình xe di chuyển.
Chạy xe đêm tiết kiệm được chi phí, dễ dàng tăng chuyến và tăng tuyến vì mật độ giao thông được giải phóng, xe chạy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, nhiều khu vực và biển cấm giới hạn về tốc độ cũng chỉ áp dụng trước cao điểm 20 giờ, xe chạy đêm ít bị chế tài hay xử lý trực tiếp từ lực lượng chức năng.
Thực tế lâu nay, những chuyến xe chở đầy khách phóng như bay trên quốc lộ được ví như những "quan tài bay" do xe chỉ có 1 cửa lên xuống; khi lên xe, khách không được thông báo cách thoát hiểm nếu xe bị sự cố.
Đặc biệt tài xế, tác nhân quan trọng, lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ, tránh và vượt sai quy định, vượt ẩu, tranh giành khách, sử dụng chất cấm... Ngoài ra, còn có chuyện doanh nghiệp ép tài xế chạy quá số giờ quy định, không nghỉ ngơi.
Minh định nguyên nhân, lỗi không phụ thuộc hoàn toàn vào tài xế, cũng không hẳn ở chủ xe, mà còn là lỗi của cơ quan chức năng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Rõ ràng đội ngũ tài xế xe khách, taxi, vận tải khá đông nhưng sự quản lý của cơ quan chủ quản còn khá lỏng lẻo trong khâu đào tạo, tuyển dụng, giám sát.
Tình trạng chạy bằng cấp, chạy hồ sơ như con sóng ngầm khiến trắng - đen, thật - giả lẫn lộn. Việc siết chặt kỷ cương trong kiểm định an toàn kỹ thuật của xe; trong thanh, kiểm tra cũng như xử phạt với những hành vi vi phạm chưa đủ quyết liệt.
Mặc dù bắt buộc tất cả xe khách phải gắn hộp đen có kết nối với tổng đài kiểm soát giao thông nhưng chủ yếu là lấy số liệu khi xử lý TNGT.
Thực hiện kiểm tra hộp đen, đối chiếu với GPS để xác định tốc độ và phạt nguội thật nặng đối với trường hợp xe quá tốc độ phải trở thành công việc bắt buộc, thực hiện một cách cố định mỗi ngày.
Thời đại khoa học công nghệ hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ cao trong quản lý giờ chạy, tuyến chạy cũng như khen thưởng, xử phạt.
Ngoài tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành luật giao thông cho người dân, tài xế và doanh nghiệp, luật cần chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tế, phải đủ sức răn đe.
Gây tai nạn nghiêm trọng thì tịch thu bằng lái vĩnh viễn, cần thiết xử lý mức án cao nhất (chung thân hoặc tử hình), xử lý cả chủ xe, chủ công ty có tài xế gây tai nạn để không xảy ra xung đột lợi ích.
Chỉ khi nhà chức trách làm tròn trách nhiệm quản lý; mỗi người điều khiển phương tiện hiểu và tuân thủ luật giao thông; biết trân quý tính mạng con người, thì mới mong giảm triệt để những vụ TNGT đau lòng, những cái chết oan ức…
Thiên tai có thể khó phòng nhưng tai nạn do con người gây ra bởi sự chủ quan, xem thường pháp luật thì chắc chắn có nhiều cách để ngăn chặn, triệt tiêu.
Bình luận (0)