Sau khi bị ngành chức năng tỉnh Hậu Giang yêu cầu tạm dừng hoạt động, Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát (thị xã Long Mỹ, tinh Hậu Giang) cũng dừng thu mua mía khiến hàng chục hộ dân hoang mang, lo lắng. Theo bà con nông dân đang neo tại cầu cảng nhà máy, cho biết hiện có khoảng 34 ghe mía với khoảng 2.500 tấn mía đang chờ được thu mua theo hợp đồng trước đó.
Ông Phạm Văn Chợ (nông dân ở tỉnh Long An), ngậm ngùi kể chỉ tính riêng khoản chi phí thu hoạch mía và tiền vận chuyển đến nhà máy, trung bình mỗi tấn mía tốn 600.000 đồng. Gia đình ông chở xuống 10 ghe mía, với tổng cộng hơn 200 tấn, chi phí ban đầu bỏ ra gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi nhà máy tiếp nhận được 4 ghe, thì bỗng nhiên người của nhà máy cho hay là phải dừng hoạt động theo yêu cầu của ngành chức năng, vậy là còn 6 ghe phải neo bên ngoài chờ đợi mỏi mòn nhiều ngày liền. "Nhà máy chạy mía cho chúng tôi có hợp đồng đàng hoàng, thông báo là ngày 8-5 ngừng nhận mía nên chúng tôi tranh thủ xuống sớm. Đến ngày 6-5, bên nhà máy thông báo không nhận nữa, mía của ai tự lo lấy, rồi từ đó người của nhà máy không ai gặp chúng tôi, liên lạc không được luôn. Giờ ôm cả trăm tấn mía này không biết xử lý sao?", ông Chợ buồn bã nói.
Bỗng nhiên thông báo không thu mua mía, hàng chục nông dân chỉ biết ngồi chờ
Theo luật sư Trần Văn Độ (Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang), cách xử lý của nhà máy là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi lẽ, bà con cho biết giữa nhà máy và nông dân có hợp đồng, vậy thì nhà máy không thể lấy lý do bị tạm dừng do việc xả thải mà không thu mua mía của bà con. "Xét về góc độ pháp lý, về hợp đồng giữa nhà máy đường với người trồng mía và người thu mua mía thì việc dừng thu mua mía của nhà máy không được xem là tình huống bất khả kháng theo quy định của pháp luật", luật sư Độ giải thích.
Cùng quan điểm đó, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), lý giải luật có quy định cụ thể về trường hợp bất khả kháng là bao gồm thiên tai, địch họa, cháy nổ,… Trong trường hợp này, nhà máy không thể lấy việc bị ngành chức năng dừng hoạt động do liên quan đến xả thải làm lý do không thu mua mía cho người dân. "Quan hệ pháp luật trong vụ việc này giữa nhà máy với bà con bán mía là quan hệ dân sự, còn quan hệ của nhà máy với nhà nước là pháp luật hành chính. Rõ ràng 2 mối quan hệ này không thể đánh đổi cho nhau, nhà máy phải có trách nhiệm thu mua mía cho bà con theo hợp đồng trước đó. Việc nhà máy bị đình chỉ hoạt động tạm thời là do bản thân đơn vị sai và cái sai này bản thân nhà máy hoàn toàn có thể kiểm soát được", luật sư Thăng lý giải.
Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát (phường Thuận An, thị xã Long Mỹ)
Cũng theo các luật sư, tình hình bà con đang gặp phải hiện nay ở thị xã Long Mỹ, bà con được quyền khởi kiện, yêu cầu nhà máy bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giao kết trước đó. "Hiện giờ, bà con mình nên gặp chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng tỉnh để yêu cầu vào cuộc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Cái quan trọng nhất là phải xử lý mọi chuyện ôn hòa, phải hết sức bình tĩnh, tránh làm phát sinh thêm rắc rối không đáng có", luật sư Thăng bày tỏ.
Luật sư Độ, nhận định: "Với tình hình hiện nay, chính quyền các cấp cần đưa ra phương án tối ưu nhất để "giải cứu" cây mía nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người nông dân trồng mía".
Nước có màu đen, mùi khó chịu lan ra tận trung tâm thị xã Long Mỹ
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đi kiểm tra thực tế
Như đã thông tin, từ ngày 22-3 đến 2-5, trên sông Cái Lớn và các kênh nhánh đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm môi trường nước mặt (ô nhiễm hữu cơ làm nước có màu đen và phát sinh mùi hôi). Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang vào cuộc xác minh, kết quả bước đầu cho thấy, nguồn tại đây bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát. Tại buổi khảo sát thực tế ngày 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động.
Theo người dân địa phương cho hay vấn đề ô nhiễm trên dòng sông này đã diễn ra nhiều lần, trong nhiều năm. Nhưng tùy vào từng thời điểm, mức độ ô nhiễm nặng nhẹ khác nhau. Cuối tháng 9-2018, sau nhiều tháng ngưng hoạt động, nhà máy hoạt động lại và hàng ngày người dân nơi đây gánh phải chịu tiếng ồn, khói bụi và mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều người có nhà sống gần nhà máy không dám mở cửa, thậm chí cho con em mình chuyển ra ngoài chợ sinh sống tạm vì lo lắng sức khỏe.
Một góc Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát
Cũng theo bà con ở khu vực 5, phường Thuận An, trước khi công ty về hoạt động năm 2007, môi trường nơi đây rất tốt. Bà con đa số sử dụng nước sông thay vì sử dụng nước khoan như hiện nay. Thế nhưng, kể từ khi có sự xuất hiện của Nhà máy Mía đường, cồn ồn Long Mỹ Phát, bà con phải khoan cây nước để sử dụng, nhưng giờ cũng bị ô nhiễm nặng.
Bình luận (0)