Hiện nay, tình trạng chuyển đổi chức danh nghề nghiệp đang được các cơ quan liên quan triển khai khá rầm rộ. Hầu như bộ, ngành nào cũng xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp riêng và triển khai chuyển đổi sang ngạch chức danh riêng của ngành mình. Việc này có ưu điểm là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) được sắp xếp theo ngạch, bậc chuyên môn của nghề nghiệp công tác, với độ chuyên sâu hơn nhưng cũng gặp một số bất cập.
Cụ thể việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển CB-CC sẽ gặp khó khăn vì cùng một cơ quan quản lý CB-CC nhưng do có nhiều chức danh nghề nghiệp khác nhau nên không thể linh hoạt trong chuyển đổi, luân chuyển. Mặt khác, việc quy định bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp cho quá nhiều chức danh làm tăng thủ tục hành chính, giấy tờ không cần thiết.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng không nên xếp hạng chức danh nghề nghiệp theo kiểu đại trà, tràn lan cho tất cả các cơ quan hành chính mà chỉ xếp hạng đối với các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc hoặc ngành nghề thật sự đặc thù. Ví dụ, Sở Tư pháp quản lý đối với nhiều chức danh nghề nghiệp như công chứng viên, đấu giá viên, trợ giúp viên và công chức làm các lĩnh vực khác nhau như thẩm định văn bản, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính... Nếu chức danh nào cũng sắp xếp vào chức danh nghề nghiệp thì sẽ không thể linh hoạt trong việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được.
Theo chúng tôi, nên giữ nguyên như hiện nay, đó là sắp xếp các ngạch “cứng” đã được Luật CB-CC và Luật VC quy định. Đó là giữ nguyên quy định ngạch CB-CC-VC hiện nay, gồm: nhân viên, cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Trong trường hợp ngành nghề đặc thù thì bổ nhiệm ngạch chức danh nghề nghiệp đó nhưng vẫn giữ ngạch “cứng”. Ví dụ: Một người đang là chuyên viên được bổ nhiệm làm trợ giúp viên pháp lý thì vẫn giữ ngạch chuyên viên, chỉ cộng thêm chức danh nghề nghiệp là trợ giúp viên pháp lý, không cần thiết chuyển đổi từ chuyên viên sang ngạch trợ giúp viên pháp lý. Khi đó, người này sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù nghề nghiệp của chức danh trợ giúp viên pháp lý mà không cần thiết phải chuyển đổi ngạch chức danh nghề nghiệp. Khi không làm nhiệm vụ trợ giúp viên pháp lý, họ vẫn là chuyên viên và không cần phải làm thủ tục chuyển đổi lần nữa. Điều này sẽ thuận tiện, linh hoạt cho việc bố trí, sắp xếp CB-CC; đồng thời giảm tải thủ tục, giấy tờ, thời gian công sức.
Bình luận (0)