Mã QR (QR code) hay mã hai chiều là một mã vạch ma trận được phát triển bởi Công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Chữ "QR" xuất phát từ "Quick Response" (đáp ứng nhanh).
Ban đầu, mã QR được dùng để theo dõi các bộ phận trong sản xuất xe hơi nhưng hiện nay, nó được dùng trong quản lý kiểm kê ở nhiều ngành khác nhau.
Khả năng lưu trữ của mã QR Code có thể nhập tối đa 7.089 chữ số hoặc 4.296 ký tự, trong đó bao gồm dấu câu và ký tự đặc biệt, từ và cụm từ, ký tự chữ Kanji và Kana. Mã QR Code rất linh hoạt, có thể lưu trữ nhiều loại dữ liệu khác nhau; được mã hóa và giải mã dễ dàng.
Ở mã QR chứng nhận được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (thẻ xanh), bên trong ma trận phức tạp ấy đã nhập các dữ liệu thông tin người được tiêm: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND (hoặc CCCD), nơi làm việc (nếu có), số điện thoại di động...
Nếu kẻ xấu quét ra được (từ việc tìm kiếm từ khóa trên Facebook), có thể sẽ bán được thông tin cá nhân cho bên thứ ba dùng vào việc chào mời mua bảo hiểm, ngân hàng, nhà đất, vay tín dụng... Nguy hiểm hơn, họ có thể làm CCCD giả, giấy phép lái xe giả... hoặc vô vàn mối đe dọa khác.
Vì vậy, để bảo vệ bản thân trước tội phạm công nghệ, tốt nhất không nên đưa mã QR, phiếu chứng nhận tiêm vắc-xin hay bất kỳ thông tin nào có liên quan đến đời tư lên mạng xã hội.
Bình luận (0)