Có thể nói, việc không tổ chức HĐND ở cấp huyện, cấp xã đối với chính quyền đô thị là cần thiết, hợp lý. Bởi những ưu điểm sau:
Thứ nhất, không gian đô thị hẹp, việc đi lại ở các đô thị khá thuận tiện, người dân từ cơ sở lên thẳng HĐND TP để phản ánh, kiến nghị, đề đạt các nguyện vọng rất thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay việc tiếp thu ý kiến của người dân có thể qua nhiều kênh khác nhau rất nhanh chóng, hiệu quả như qua điện thoại, internet hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, việc không tổ chức HĐND ở cấp huyện, cấp xã khắc phục sự cồng kềnh của tổ chức bộ máy, góp phần tinh giản biên chế. Việc bỏ HĐND cấp huyện, xã để điều tiết, tăng cường nhân lực cho HĐND cấp TP và bổ sung cho cơ quan hành chính sẽ phục vụ tốt hơn yêu cầu giải quyết công việc của người dân. Đồng thời, để HĐND TP - cơ quan dân cử cao nhất ở địa phương - tiếp nhận, giải quyết các nội dung kiến nghị của cử tri sẽ có "sức nặng" hơn, vì thế các cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc, giải quyết triệt để, rốt ráo hơn!
Thứ ba, việc tổ chức chính quyền đô thị "một cấp chính quyền, 2 cấp hành chính" sẽ giúp cho việc điều hành công việc ở địa phương từ TP đến cấp cơ sở nhanh hơn, thông suốt hơn. Đặc biệt, bảo đảm việc quản lý nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, nhất là phát huy được năng lực toàn diện của cơ quan hành chính nhà nước. Tạo điều kiện, cơ chế cho các cơ quan hành chính ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả các sự cố, tình huống phát sinh trong thực tế quản lý nhà nước.
Ngoài ra, việc không tổ chức HĐND ở cấp huyện, cấp xã còn nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan hành chính, người đứng đầu các cơ quan này. Đồng thời, có thể dễ dàng xác định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan hành chính trong thực thi công vụ, quản lý điều hành.
Thiết nghĩ, việc không tổ chức HĐND ở cấp huyện, cấp xã ở các TP trực thuộc trung ương là cần thiết, hợp lý. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sớm triển khai thí điểm, từ đó tổng kết, nhân rộng ra toàn quốc càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)