xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khu phố văn hóa nhưng không... văn hóa

SỸ ĐÔNG - THƯỜNG AN

Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng khu phố văn hóa nhưng đầy rác thải, ô nhiễm tiếng ồn và tệ nạn xã hội…

Tối 16-9, người dân hẻm 538, phường 14, quận 4, TP HCM không thể nghỉ ngơi do tiếng ồn từ ban nhạc được thuê hát trong một đám tang. Mãi đến 2 giờ sáng, mọi chuyện mới tạm lắng.

Điên đầu với tiếng ồn

“Thiệt sống không nổi với cảnh hát hò này. Người già mất ngủ một đêm là hôm sau đổ bệnh. Trẻ em không học hành gì được, còn người lớn thì mệt mỏi không làm việc nổi. Khu phố văn hóa (KPVH) nhưng hễ có đám tang là người dân lại trân mình chịu trận những “sô diễn” như vậy. Có gia đình còn thuê cả ban nhạc pê đê hát nhạc chế rất tục tĩu, ăn mặc hở hang, nhảy nhót những điệu quái đản. Chúng tôi nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng mọi chuyện không được cải thiện” - ông Nguyễn Bá Nhàn, một người dân sống ở đây, nói.

Không chỉ vậy, mỗi khi nhà nào có đám giỗ hay tiệc liên hoan là y như rằng sẽ thuê ban nhạc về. Mạnh ai nấy hát, nhà này cạnh tranh cùng nhà khác hát từ sáng đến chiều. Nếu nhắc nhở thì mất lòng, thậm chí còn bị gây gổ, sinh chuyện. Bà Nguyễn Thanh Lan (ngụ phường 13, quận 4) bức xúc: “Ngày cuối tuần tranh thủ nghỉ ngơi mà đâu có được. Nhà này hát to quá thì nhà khác bực mình mở máy hát luôn. Người không có karaoke thì mở nhạc to để át tiếng ồn của hàng xóm... Cứ thế, ai không chịu nổi thì chở con cái đi ra ngoài lánh nạn”.

Sống chung với ô nhiễm

Từ nhiều tháng qua, người dân hẻm 258 đường Bông Sao, phường 5 và người dân tổ 117, khu phố 8, phường 4, quận 8 phải sống trong cảnh bụi bặm, tiếng ồn từ cơ sở sản xuất bàn ghế trong hẻm 258 và xưởng gỗ nằm cuối hẻm 760 đường Phạm Thế Hiển. “Xưởng gỗ này nhiều hôm hoạt động đến 21 giờ, người lao động nghèo không thể nghỉ ngơi để lấy sức ngày mai đi làm” - một người dân tổ 117 ngao ngán.

Còn tại khu phố 1, phường 6, quận Tân Bình, dù được công nhận là KPVH nhưng hạ tầng không khác gì đường quê, đường lởm chởm đá, nước thải sinh hoạt chảy ra bốc mùi hôi thối, đủ loại rác thải tràn lan trên đường, chó thả rông đi vệ sinh ngoài đường… Ông Huỳnh Đức Tấn (ngụ 270B/45/2/5 Lý Thường Kiệt) bức xúc: “Môi trường sống ô nhiễm, đi lại khổ sở như thế này mà cũng được công nhận KPVH thì không biết văn hóa ở chỗ nào”.

Nhiều cư dân ở gần khu nhà trọ 174/6/11/33 Lê Văn Lương, KPVH 2, phường Tân Hưng, quận 7 lại chịu khổ vì môi trường ô nhiễm do trại gà đá được nuôi công khai trong khu dân cư từ nhiều năm nay. Cạnh đó, KPVH 3 (đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7) chịu ô nhiễm bởi rác thải đầy các kênh trong khu dân cư.

“Ở KPVH 2 này ngày nào cũng có đám thanh niên ra vào bắt gà đá. Họ thản nhiên nẹt pô, nói chuyện inh ỏi. Nhiều vụ mất cắp đã xảy ra” - anh Phạm Kỳ (ở trọ nơi đây) than phiền.

 

Cảnh nhếch nhác, lấn chiếm mặt tiền hẻm ngay dưới biển khu phố văn hóaẢnh: Thường An
Cảnh nhếch nhác, lấn chiếm mặt tiền hẻm ngay dưới biển khu phố văn hóaẢnh: Thường An

 

Buôn bán lấn chiếm lề đường

Dễ thấy nhất là cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, mặt tiền các con hẻm, nơi thường trưng bảng tuyên truyền, giới thiệu trang trọng KPVH khiến cư dân thấy “nhột” với danh hiệu này. Cụ thể, đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn gần giao lộ với đường An Dương Vương (quận 5), nhiều tháng qua bị một số quán nước chiếm dụng làm chỗ buôn bán, lấn luôn làn đường của người đi bộ, sau khi quán dọn về thì rác vương vãi. “Nhếch nhác như vậy nhưng vẫn được công nhận KPVH thì thật vô lý” - ông Nguyễn Tuấn Nam (ngụ đường Nguyễn Văn Cừ) nói.

Tương tự, đầu cổng KPVH 3 (100 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1); đầu đường vào các hẻm khu phố 1, 2, 3 đều là KPVH (phường 10, quận 10) nhưng bị một số người dân lấn chiếm bán hàng, che chắn một góc hẻm làm nơi ở, treo lủng lẳng quần áo, đồ dùng gia đình

“Khu phố được công nhận KPVH nơi tôi sống gần ký túc xá Đại học Y Dược, các bệnh viện tưởng dễ dàng thực hiện những tiêu chí KPVH nhưng vẫn còn đầy rẫy nạn lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, gái mại dâm thì dập dìu cả ngày lẫn đêm ở trước ký túc xá Đại học Y Dược (đường Ngô Gia Tự), xung quanh khu vực Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (đường Ngô Quyền)… Tôi nghĩ, không đơn giản để thực hiện KPVH. Cần có chương trình hành động cụ thể, có chế tài. Đặc biệt là quy định buộc người dân phải thực hiện, thay đổi dần để có nếp sống văn minh đô thị” - ông Trần Lâm Anh (KPVH 5, phường 9, quận 5) nói.

 

Người dân không hài lòng

Trao đổi với chúng tôi về KPVH, nhiều người cho rằng KPVH là khu phố an ninh, an toàn, sạch sẽ nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

“Cái bảng công nhận KPVH như để nhắc nhở người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, được xem như mục tiêu hướng đến trong cuộc sống chung của cộng đồng cư dân” - ông Phạm Thanh Long (trú KPVH 1, phường 2, quận 10) nhận định.

“Ý thức mỗi người dân về thực hiện nếp sống văn minh đô thị mới quan trọng. Chính quyền vận động thực hiện lối sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư nhưng có mấy ai chấp hành? Cũng không thấy ai chế tài gì đối với những hộ sống thiếu văn hóa, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán, thải nước bẩn, rác ra ngoài đường” - ông Phạm Kiên Cường (trú tại KPVH 11, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết.

Th.An

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo