* Phóng viên: Thưa bà, còn những điểm tồn tại nào ở khu phố văn hóa (KPVH) cần được khắc phục?
- Bà Tô Thị Bích Châu: Trong những năm qua, TP HCM và các quận, huyện tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, mở rộng các tuyến đường, tuyến hẻm, hình thành những tuyến đường mới làm thay đổi rất lớn về mỹ quan đô thị. Các mảng xanh ngày càng phát triển nhiều hơn trong các khu dân cư mới. Tình hình vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường có nhiều chuyển biến, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để đạt danh hiệu KPVH là cả một quá trình tích cực tham gia, vận động, hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương, bài trừ tệ nạn xã hội, xóa mù chữ, giảm hộ đói nghèo… với sự hưởng ứng của nhiều ban - ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các chợ, trường học.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực đáng quý của những người làm công tác vận động với mong muốn hoàn thiện cuộc sống ở các khu dân cư thì hiện tượng nhếch nhác và bệnh thành tích trong việc công nhận danh hiệu KPVH còn tồn tại ở nhiều nơi, dẫn đến tình trạng dù đã được công nhận KPVH nhưng có nơi vẫn còn cảnh buôn bán xô bồ, lấn chiếm lề đường, lòng đường, mặt tiền các con hẻm - ngay dưới tấm bảng tuyên truyền, giới thiệu trang trọng “Khu phố văn hóa…”. Chuyện rác thải hiện là vấn đề nan giải vì không ít người dân còn kém ý thức trong việc giữ gìn mảng xanh cho đường phố, khu dân cư. Các loại tệ nạn xã hội như số đề, ma túy, bài bạc, mại dâm… vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc cho người dân ở các khu dân cư, KPVH.
Một tấm pa-nô trên đường Lê Văn Sỹ che khuất biển KPVH ở khu phố 2, phường 14, quận 3, TP HCMẢnh: Sỹ Đông
* Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khu phố đạt danh hiệu KPVH nhưng chưa thực sự văn hóa? Trách nhiệm của chính quyền địa phương?
- Thứ nhất, dù chúng ta có những đợt ra quân chấn chỉnh trật tự đô thị, vệ sinh môi trường nhưng chưa duy trì thường xuyên để tạo ý thức và thói quen tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở người dân; thiếu giải pháp hữu hiệu để duy trì kết quả đạt được.
Thứ hai, công tác phối hợp giữa các quận - huyện, phường - xã chưa đồng bộ. Một vài thành viên ban chỉ đạo các cấp (TP, quận - huyện, phường - xã - thị trấn), ban vận động ở các khu dân cư còn thiếu chủ động, thiếu phối hợp, kiểm tra và đôn đốc thực hiện. Một số đơn vị chưa kịp thời tham mưu đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện như việc lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, chiếm dụng lề đường để kinh doanh...
Cuối cùng là ý thức cộng đồng của một số người dân chưa tốt nhưng việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là vệ sinh môi trường, chưa nhiều; mức phạt chưa đủ sức răn đe, người vi phạm không có tiền để nộp phạt...
* Vậy cần làm gì để KPVH thật sự có văn hóa?
- Trước hết, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa một cách thực chất, tránh chạy theo thành tích, nặng về hình thức. Song song đó, phát hiện và khen thưởng đột xuất và kịp thời cho những tập thể, cá nhân có những thành tích trong việc xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Xem xét giải quyết những khu dân cư quy hoạch treo đã tồn tại nhiều năm gây ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú ý đến những đối tượng dễ có hành vi không tốt trong xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Chính quyền địa phương cần tập trung xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường; đồng thời, phải có chế độ khen thưởng đột xuất cho những người phát hiện các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, trên tất cả vẫn là vai trò, ý thức của người dân đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Một khi người dân có ý thức giữ gìn nếp sống văn hóa thì họ sẽ giúp nâng cao chất lượng KPVH theo hướng thực chất hơn.
Bình luận (0)