Những ngày qua, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, người dân 2 xã Xuân Thạnh và Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lại mất ăn mất ngủ, thậm chí nhiều nhà phải di tản vì bọ đậu đen hoành hành.
Dày đặc hơn năm trước
Từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình ông Ngô Hữu Hiệp (ngụ xã Xuân Thạnh) phải đối mặt với hàng ngàn đàn bọ đậu đen bay ào ào vào nhà. Chúng bu bám, chui rúc khắp các khe cửa, tủ quần áo, dày đặc cả nền nhà, chui vào tai, mũi.
Còn ông Thạch Ngọc Trung (ngụ xã Quang Trung) vừa quét dọn bọ gom vào bao đưa đi tiêu hủy vừa than thở: “Nạn dịch bọ đậu đen năm nay có thể nặng hơn năm trước, chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa mà đã xuất hiện dày đặc. Không quét dọn thì bọ chất thành đống, mà quét cũng không xuể. Chúng có mùi hôi nồng, rất khó chịu khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ, không làm được gì, suốt ngày cứ quét nhà”.
Còn tại thôn 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, nhiều gia đình chịu không nổi bọ đậu đen đã phải dời nhà sang nơi khác. Chúng tôi có mặt tại nhà ông Trần Xuân Ngọc trong lúc ông đang dỡ nhà, quan sát thấy khắp nơi trong nhà toàn xác bọ đậu đen, mùi hôi rất khó chịu.
Ông Ngọc cho biết đã mấy năm nay, hễ mùa mưa đến, bọ đậu đen bu đầy nhà, kéo dài 2-3 tháng. “Bữa giờ cũng gần 20 ngày rồi, mỗi ngày, vợ chồng tôi quét được một bao, có hôm 2-3 bao bọ đậu đen. Chúng bay vào đậu khắp nơi trong nhà. Tối ngủ lỡ đè lên, chúng tiết ra một chất làm phỏng da. Tôi phải gửi con đến nhà ngoại tá túc tạm nhưng giờ chịu hết nổi, phải dời đi nơi khác” - ông Ngọc nói.
Gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ thôn 3) cũng phải “bỏ của chạy lấy người”, mượn nhà hàng xóm nấu nướng và ngủ nhờ hơn nửa tháng nay. “Đặc biệt, vào ban đêm, sau khi có mưa và vào mùa trăng, chúng bay về đông nghịt, trút xuống mái tôn nghe như mưa rào. Chúng tôi dùng đèn khò, phun các loại thuốc, thậm chí dùng cả thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ phun thử nhưng vẫn không ăn thua. Sau khi phun, chúng rơi xuống nền nhà một lát sau thì tiếp tục bò lên” - anh Tuấn Anh than thở.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của người dân, các loại nhà gỗ bị tấn công nhiều hơn nhà xây, có thể vì nhà xây kín đáo, không có chỗ để bọ bám và ẩn náu.
Chịu thua
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Duệ - Chủ tịch UBND xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp - cho biết hiện tượng bọ đậu đen “tấn công” nhà dân đã xuất hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, chính quyền địa phương vẫn đang cùng người dân xử lý theo phương pháp thủ công là quét dọn rồi đem đốt hoặc chôn.
“Chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo huyện mời các nhà khoa học chuyên nghiên cứu côn trùng về tìm hiểu, giúp người dân có biện pháp phòng và diệt trừ hữu hiệu” - ông Duệ nói.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mạnh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất, cho biết đơn vị này đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện khảo sát tình hình, tìm cách giúp dân. Tuy nhiên, như nhiều năm trước, các giải pháp vẫn chỉ giúp giảm thiểu nạn dịch và hỗ trợ cuộc sống người dân chứ không thể xử lý triệt để. “Loài bọ này thường đến vào mùa mưa, sau đó chúng tự bay đi” - ông Tuấn thông tin.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đều cho biết nhiều năm nay, từ trung ương đến địa phương đã nghiên cứu, tìm giải pháp nhưng cũng chỉ đỡ đi phần nào chứ không thể xử lý triệt để.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện chưa có kết luận cụ thể về loài côn trùng này nhưng có thể khẳng định chúng không gây hại cho người và động, thực vật.
Bình luận (0)