Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Phóng viên: Nhiều quận ở TP HCM và một số tỉnh, thành trong cả nước đang đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Hoài Thu:
- Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, đồng thời cũng thống nhất với nhiều ý kiến khi cho rằng cần vận động, tuyên truyền cho người dân để họ hiểu vỉa hè là công cộng, không dành cho riêng ai. Dù cho nhà có vỉa hè phía trước, mình cũng không có đặc quyền, đặc lợi gì. Nếu có điều kiện, kinh tế khá, mua được nhà ở mặt tiền đường, thì đó là ưu thế, có thể làm ăn, buôn bán, kinh doanh nhưng phải tuân thủ theo pháp luật. Không thể lấy vỉa hè để bày bàn ghế, hàng hóa ra bán hay tự do để xe mà phải tôn trọng quyền được đi trên vỉa hè của người đi bộ.
Một khi vỉa hè đã được thông thoáng, nhà nước cần làm luôn đường dành cho người khiếm thị, tàn tật. Đã văn minh phải văn minh cho trọn vẹn. Làm đường nào ra đường đó. Khuyến cáo và xử phạt thật nặng những ai vi phạm vỉa hè, kể cả hành vi chạy xe máy lên vỉa hè.
Lực lượng chức năng TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) ngày 10-3 dùng xe múc phá bỏ một số hạng mục công trình người dân xây lấn chiếm Ảnh: Xuân Hoàng
Ngoài ra, TP có cả chục triệu xe máy, chính quyền cũng cần tính đến người dân đi ăn uống, liên hệ công việc…, họ để xe ở đâu? Có những lề đường quá rộng, người đi bộ không sử dụng hết, nhà nước cần công khai, minh bạch cho đấu thầu bãi giữ xe, đóng thuế đàng hoàng chứ không phải ủng hộ quỹ này, quỹ kia để rồi tiền vào túi ai thì không biết.
Nhiều ý kiến âu lo nếu cấm bán hàng rong trên vỉa hè sẽ ảnh hưởng không ít người nghèo đang mưu sinh ở đó. Đằng sau mỗi gánh hàng rong là một gia đình…?
- Đó là một thực tế và là bài toán không đơn giản nhưng vẫn phải làm. Trước hết phải khẳng định hàng rong là nét văn hóa đặc trưng phương Đông, góp phần không nhỏ trong việc “níu chân” khách du lịch. Một TP vắng những gánh hàng rong sẽ rất buồn, tẻ nhạt. Để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng này, đồng thời giúp người nghèo mưu sinh hợp pháp nhưng vẫn giữ được đường phố sạch đẹp, trật tự, văn minh, rất cần nhà nước xem xét, quy hoạch những khu vực được phép bán hàng rong vào những khoảng thời gian nhất định. Riêng chợ tự phát gây cản trở giao thông thì phải cương quyết dẹp bỏ. Muốn mua bán phải vào chợ, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa không gây kẹt xe.
Nhiều ý kiến cho rằng để vỉa hè nhếch nhác, chủ tịch phường phải bị “trảm” vì nhận tiền thuế của dân mà không làm tròn trách nhiệm…?
- Tất nhiên, chủ tịch phường phải là người đứng ra chịu trách nhiệm với cấp trên nhưng không thể việc gì cũng “trăm dâu đổ đầu tằm”. Các đoàn thể, tổ dân phố, từng đảng viên cũng nên góp tay vào, đến từng nhà vận động người dân. Chuyện vận động khó nhưng nếu kiên trì thì sẽ làm được. Tôi thấy chúng ta tổ chức dày đặc nhưng chủ trương nằm lơ lửng bên trên, không sâu sát với người dân. Đi đôi với hành động quyết liệt thì dân vận cũng phải quyết liệt. Quyết liệt trong sự mềm dẻo, đầy tính thuyết phục. Đặc biệt, người thực thi nhiệm vụ phải “quân pháp bất vị thân”, xe biển số xanh, đỏ, nếu đậu sai phạt hết, người dân mới nể.
Sau đợt ra quân này, theo bà, về lâu dài, cần làm gì để không tái diễn nạn lấn chiếm vỉa hè?
- Theo tôi, chủ trương phải nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ TP xuống quận, huyện, phường, khu phố và phải có biện pháp cụ thể, thực hiện kiên trì, lâu dài. Vận động nhân dân là chính kèm theo là biện pháp hành chính. Vận động trước, cưỡng chế sau. Trách nhiệm của nhà nước, các đoàn thể là phải vừa làm vừa vận động để người dân đồng tình, thấy được trách nhiệm của họ trong việc giữ gìn và bảo vệ sự thông thoáng, sạch đẹp của vỉa hè. Có như thế mới lâu dài, bền vững.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-3
Bình luận (0)