Bạn đọc HOÀNG THANH PHONG:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
Hơn tuần nay, trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận 1 (TP HCM), tôi quan sát thấy vỉa hè đã thông thoáng, khách bộ hành có thể thoải mái thả bước trên phần đường của mình mà không sự vướng “chợ”, vướng bàn ghế, hàng hóa, xe máy...
Không riêng gì quận 1; các quận 3, 5, 9, Thủ Đức, Bình Tân..., việc ra quân giành lại vỉa hè cũng thu được những kết quả khả quan khi nhiều người dân đã tự ý chấp hành không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Tuy nhiên, việc cần bàn sau quá trình gian nan, vất vả ra quân giành lại vỉa hè chính là duy trì sự thông thoáng lâu dài cho vỉa hè, mà theo tôi không hề dễ, nếu các cơ quan chức năng ở các địa phương vẫn làm theo phong trào.
Để vỉa hè, lòng đường thông thoáng lâu dài, các địa phương phải cắt cử một đội ngũ nhân lực thường xuyên tuần tra, mạnh tay xử lý cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông để người dân hiểu, thấm nhuần và thực hiện một cách nghiêm túc, kể cả khi không có sự nhắc nhở, xử phạt... Đặc biệt, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm gương, không để người nhà hay cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè để xe, trồng cây, kinh doanh, buôn bán... Có thể đưa yêu cầu này vào đánh giá, kiểm điểm cuối năm đối với cán bộ, công chức, đảng viên.
Nếu thực hiện nghiêm túc từ trên xuống dưới, kèm với chế tài xử phạt nặng, chắc chắn sẽ giữ được vỉa hè thông thoáng.
Bạn đọc PHAN THỊ ANH THƯ:
Mạnh dạn “trảm tướng”
Chưa bao giờ người dân cả nước lại xôn xao trước những cuộc ra quân lập lại trật tự vỉa hè đô thị như vậy. Khởi đầu từ quận 1 (TP HCM), sau đó nhanh chóng lan tỏa khắp các quận, huyện của TP HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Người khen nhiều và người trách cứ cũng không ít. Bao giờ cũng thế, những chủ trương, chính sách ít nhiều đụng chạm đến quyền lợi cá nhân thường gặp phải những khó khăn ban đầu, thậm chí có cả sự phản kháng. Điển hình như chủ trương cấm đốt pháo, buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… ban đầu gặp nhiều trở lực do suy nghĩ, nhận thức của người dân chưa thông suốt nhưng đến nay, đa số đã chấp hành tốt.
Trở lại việc lập lại trật tự vỉa hè, sau những đợt ra quân đồng loạt, kiên quyết, hiện đã có một số chuyển biến tích cực. Rất nhiều nơi, người dân tự giác tháo dỡ chướng ngại trên vỉa hè, cũng bớt dần những hình ảnh chen nhau chạy xe lên vỉa hè mỗi khi dừng đèn đỏ… Ý thức chấp hành việc không lấn chiếm vỉa hè của người dân đã nhen nhóm. Điều quan trọng bây giờ là thổi bùng ngọn lửa ý thức đó bằng hành động quyết liệt, làm đến cùng, kiên quyết xử lý vi phạm, không nhân nhượng cho dù đó là ai - như ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 - đã và đang làm. Tiếp đó, giao trách nhiệm quản lý vỉa hè cho người đứng đầu phường, xã. Hễ nơi nào để việc lấn chiếm vỉa hè tái diễn, mạnh dạn “trảm tướng”.
“Bệnh” nặng phải dùng liều thuốc mạnh, liên tục thì mới có thể trị dứt. Nếu làm “đầu voi đuôi chuột”, “bắt cóc bỏ dĩa” thì không chỉ tốn kém thời gian, công sức, tiền của mà đáng lo ngại hơn là gây mất lòng tin trong người dân và mối nguy lờn luật pháp.
Bạn đọc TRẦN ĐỨC TUẤN:
Phù hợp quy định pháp luật
Vỉa hè, lòng đường là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý, đại diện chủ sở hữu với mục đích sử dụng dành cho người đi bộ và tạo khoảng không gian cho đô thị, đường sá. Đối với một số khu vực có vỉa hè, lòng đường rộng, nhà nước có thể dành một phần để cho thuê đỗ xe, sử dụng vào mục đích khác.
Do vậy, mọi hành vi trái với mục đích này đều vi phạm quyền của chủ sở hữu. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự…
Căn cứ để xử lý vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về chế tài, theo điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì những việc mà UBND quận 1 đã làm trong mấy ngày qua hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời, phù hợp với ý nguyện của đa số người dân. Ngoài ra, đây cũng là bài học cho người dân “chỉ sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình”.
Tháo dỡ biển khu phố văn hóa chiếm vỉa hè
Sáng 9-3, quận Bình Thạnh, TP HCM tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè tại một số điểm nóng.
Trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn gần giao lộ với Nguyễn Thượng Hiền, lực lượng chức năng đã lập biên bản và tháo dỡ những bậc bê tông trước nhà dân, biển quảng cáo đặt sai quy định và cả biển khu phố văn hóa ở đầu một con hẻm do lấn chiếm vỉa hè.
B.Khoa
Hà Nội, Hải Phòng đồng loạt ra quân
Hôm nay (10-3), tất cả quận huyện, thị xã toàn TP Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh TP sẽ làm bền vững để người dân thấy có ý thức với thủ đô, không lấn chiếm vỉa hè, không vứt rác ra đường. Ông Chung cũng yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để trông giữ ô tô, xe máy, bán hàng rong...
Tại Hải Phòng, ngày 9-3, lực lượng liên ngành của các quận trung tâm TP như Hồng Bàng, Lê Chân đồng loạt ra quân t lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường.
Ng.Hưởng - T.Đức
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-3
Bình luận (0)