Các địa phương đã và đang lần lượt công bố điểm thi vào lớp 10, cho chúng ta thấy một bức tranh mới về giáo dục mà theo tôi, sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Choáng váng với kết quả thi
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa cho thấy kết quả thi ở tỉnh này cực kỳ "bết bát": Khoảng 53% thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán, tỉ lệ này ở môn ngữ văn là 66% và môn tiếng Anh lên đến 74%. Chính ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, đã xác nhận môn toán có đến 668 bài thi bị điểm 0.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa chia sẻ với báo chí rằng trước khi tổ chức chấm thi, các thầy cô trong Hội đồng Chấm thi tuyển sinh lớp 10 của sở cũng đã thảo luận và đánh giá đề thi các môn vừa qua yêu cầu vừa phải, có phần phân hóa để đánh giá và phù hợp với trình độ của học sinh (HS) lớp 9. Đề thi năm nay của Khánh Hòa cũng được đánh giá là vừa sức, phù hợp với HS lớp 9, trong đề có sự phân hóa đối với trình độ HS.
Kết quả thi vừa qua không chỉ là điều "choáng váng" đối với Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa mà còn là hồi chuông báo động cho ngành giáo dục nhiều nơi.
Ngay như Hà Nội, địa phương có kết quả đứng đầu cả nước, cũng có rất nhiều thí sinh dưới điểm trung bình ở cả 4 môn toán, ngữ văn, lịch sử và ngoại ngữ. Số thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán là 16.817 em (100 bài thi điểm 0), môn ngữ văn là 10.849 em (56 bài thi điểm 0). Riêng môn tiếng Anh, kết quả thấp bất ngờ với 37.600 thí sinh có điểm dưới trung bình, con số này ở môn lịch sử là 9.283 thí sinh.
Học sinh Hà Nội thi tuyển vào lớp 10. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Lan Anh
Giỏi không thực chất
Vì sao kết quả HS giỏi tăng mỗi năm mà điểm thi lại kém đến vậy? Câu trả lời là không chỉ ở Khánh Hòa, Hà Nội mà tại nhiều địa phương, bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn đang tồn tại. Cuối năm tổng kết, các trường đưa ra những con số về tỉ lệ HS giỏi đẹp như mơ nhưng đó không phải là những con số thực chất. Giáo viên (GV) chủ nhiệm thì muốn lớp có nhiều HS giỏi vì tỉ lệ HS khá giỏi cũng là một tiêu chí để xét thi đua trong trường. Hiệu trưởng thì luôn muốn trường có thành tích đạt nhiều HS giỏi cấp huyện, tỉnh để "nâng" thương hiệu trường mình.
Trong khi đó, các GV vì nhiều lý do, trong đó có việc thương HS, nên kiểm tra, chấm điểm chưa thật nghiêm túc, chặt chẽ. Nhiều thầy cô cho HS "gỡ" các điểm kém bằng cách kiểm tra thật nhiều, sau đó lấy điểm cao nhất để HS có kết quả tốt nhất; hoặc cho điểm cộng những lần xung phong lên bảng, phát biểu trong giờ học. Cuối năm, có trường hợp GV chủ nhiệm vì "tiếc" cho HS còn thiếu 0,1, 0,2 điểm… là đủ điểm HS giỏi nên đã gặp GV bộ môn để xin điểm cho HS mình.
Thêm vào đó, để đạt được danh hiệu HS giỏi hiện nay cũng không phải là khó. Tâm lý mong muốn con mình phải là HS giỏi, xuất sắc để bằng hoặc hơn con của người khác cũng tạo nên áp lực đối với các em. Nhiều HS để đạt được điểm số mong muốn của cha mẹ đã dùng nhiều biện pháp gian lận. Rõ ràng, nếu chất lượng HS đúng như điểm số các em đã đạt được trên lớp thì sẽ rất khó có chuyện 668 thí sinh ở Khánh Hoà bị điểm 0 khi thi toán. Các em không có kiến thức cơ bản để được lên lớp, nếu không muốn nói là đã ngồi nhầm lớp suốt bao năm qua.
Lấy điểm môn phụ bù môn chính
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS xếp loại giỏi nếu có đủ các tiêu chuẩn sau: a) Điểm trung bình các môn học từ 8 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8 trở lên; riêng đối với HS lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8 trở lên; b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ. Do tính điểm trung bình môn nên nhiều HS lấy điểm các môn phụ bù cho các môn chính như toán và ngữ văn nên điểm trung bình cũng khá cao.
Bình luận (0)