Tại TP HCM, trong buổi tổng kết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, thông tin có tới 49,62% bài thi toán dưới 5 điểm, trong đó có 126 bài thi bị điểm 0.
Nhờ thi cử mới đánh giá thực chất
Ông Hiếu cho rằng 126 bài thi bị 0 điểm nghĩa là học sinh (HS) ngay cả phần kiến thức căn bản cũng không nắm được. Đây cũng là lời nhắc nhở cho các giáo viên (GV) khi giảng dạy phải dạy cả những kiến thức nền tảng cho HS.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 (TP HCM) cho hay nếu không có những kỳ thi, có lẽ nhiều phụ huynh và HS sẽ "ngủ quên" với những danh hiệu, phần thưởng. Chưa tính đến nhiều nhà trường và GV sẽ vì thành tích mà nhận xét nương tay, hào phóng cho những tỉ lệ điểm số đẹp. Trong thực tế, tại TP HCM, dù được đánh giá là dạy, học nghiêm túc nhưng trước đây, qua quá trình thử nghiệm xét tuyển HS vào lớp 10 ở một số quận, huyện thất bại, buộc phải quay lại thi tuyển toàn TP để đánh giá đúng, thực chất quá trình dạy và học.
Nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại quận 6 nhớ lại khi TP HCM tiến hành xét tuyển HS 4 quận, huyện là Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, các quận còn lại vẫn tổ chức thi tuyển thì kết quả học bạ những HS ở 4 quận, huyện này "rất đẹp". Thế nhưng khi lên bậc THPT, quá trình học tập phản ánh ngược lại, trình độ HS rất kém. GV vất vả dạy học nhưng không thể vực nổi đến nỗi các trường THPT ở các quận, huyện đó phản đối, yêu cầu phải thi tuyển toàn TP để đánh giá đúng chất lượng HS, buộc các trường THCS phải dạy, học nghiêm túc, chất lượng.
Lâu nay ngành giáo dục quá chú trọng vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi để có thành tích cho trường. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: TẤN THẠNH
Phương pháp dạy và học có vấn đề
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, phải thừa nhận tính căng thẳng, áp lực của các kỳ thi, nhất là kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có phương án nào tối ưu để thay thế. Nếu không thi thì lấy cơ sở nào để nhận HS vào các trường công lập, vì rõ ràng chỉ dựa vào kết quả lớp 9 và nhận xét của nhà trường thì không công bằng; các trường sẽ nhận xét không khách quan, có thể còn tiêu cực như cho tất cả HS đều khá, giỏi.
Ở một góc độ khác, nhiều GV nhìn nhận điểm thi thấp trong khi số HS giỏi quá nhiều còn phản ánh thực trạng, phương pháp dạy và học cũng như quá trình đầu tư giáo dục đang có vấn đề. Đặc biệt là môn tiếng Anh, 2 năm liên tiếp đều có tỉ lệ HS dưới điểm trung bình quá nhiều. Thầy Đặng Thanh Huân, GV tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng có một thực tế là dù đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường nhưng phần lớn những phương tiện này còn nặng về trình diễn, không có tính ứng dụng và xuyên suốt. HS quá thiếu kỹ năng làm bài, nên chỉ cần thay đổi cách hỏi trong đề thi một chút là lúng túng, không làm bài được. Một GV khác cho rằng chính phương pháp dạy - học máy móc chứ không thật hiểu và ứng dụng, thiếu kiến thức nền dẫn đến những kết quả không tốt.
Vì sao Khánh Hòa có 668 bài điểm 0 môn toán?
Sáng 18-6, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020. Theo đó, môn toán có 47,6% trên điểm trung bình; môn văn 33,6% trên điểm trung bình; môn Anh có 25,9% trên điểm trung bình. Đáng chú ý, môn toán có 668 bài thi điểm 0.
Theo tôi, nguyên nhân trước hết là do học sinh (HS) không chịu học nên kiến thức bị hỏng. Đa số HS bị điểm 0 môn toán là do gia đình ép phải đi thi nên miễn cưỡng thi, phần lớn các HS này có nguyện vọng học nghề hoặc nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS. Nhiều trường hợp HS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc học của các em là được chăng hay chớ, gia đình không quan tâm.
Thứ hai, lâu nay ngành giáo dục quá chú trọng vào việc "phát hiện bồi dưỡng nhân tài", bồi dưỡng HS giỏi để có thành tích, đạt huy chương cho trường. HS bình thường, yếu kém bị bỏ rơi. Thử hỏi có bao nhiêu trường quan tâm thật sự đến việc bồi dưỡng HS yếu kém hay chỉ làm chiếu lệ? Nếu đẩy mạnh phong trào bồi dưỡng HS yếu kém như bồi dưỡng HS giỏi, công nhận giáo viên (GV) có thành tích xóa yếu kém là GV dạy giỏi, thì chắc chắn sẽ hạn chế được HS "không biết gì".
Thứ ba, căn bệnh háo danh, hám thành tích của ngành giáo dục, phụ huynh và xã hội. GV chủ nhiệm muốn lớp có nhiều HS giỏi, số lượng HS lên lớp cao để được ban giám hiệu khen là dạy giỏi, tay nghề vững, tâm huyết; còn GV bộ môn thì để đạt chỉ tiêu về chất lượng bộ môn do mình giảng dạy (sử, địa, sinh 98% trung bình trở lên; giáo dục công dân 100% trung bình trở lên…). Để không bị ảnh hưởng đến xét thi đua, HS được GV "đẩy" lên lớp gần như 100%. Nếu chẳng may có HS phải thi lại, GV cũng sẽ ôn tập thật sát đề để đủ 5 điểm lên lớp. Hiệu trưởng thì luôn muốn trường có thành tích đạt nhiều HS giỏi cấp trường, huyện, tỉnh để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc... đó là lý do mà như 1 đại biểu Quốc hội phát biểu: "Bây giờ tìm 1 HS yếu kém khó như mò kim đáy bể".
Còn phụ huynh thì sao? Cha mẹ nào không tự hào, hãnh diện khi con đạt được thành tích học giỏi, xuất sắc. Vì vậy mà nhiều người đua nhau cho con học thêm, luyện thi ở trung tâm, tại gia và cả GV dạy trên lớp (để được chiếu cố). Xã hội ta hiện nay trọng bằng cấp nên học như thế nào không phải là điều quan trọng, quan trọng là có được thành tích gì, bằng cấp nào để dễ xin việc làm và tự hào với mọi người. Từ đó nảy sinh việc mua điểm, mua bằng…
Vấn đề đặt ra là vì sao sau 9 năm học, HS được thầy cô trang bị kiến thức, rồi trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá hằng năm, được ghi trong học bạ "Được lên lớp", nghĩa là thỏa mãn các điều kiện theo Thông tư 58/2011 nhưng để rồi thi lớp 10 lại không giải được một bài toán cơ bản, dễ nhất là giải phương trình = 0 (câu 1a đề thi tuyển sinh lớp 10 Khánh Hòa 2019-2020)? Rất mong được quý thầy cô, lãnh đạo ngành phân tích kỹ và có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học thật sự để không còn những điểm 0 đáng tiếc.
Nguyễn Văn Lực
(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
(*) Xem báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-6
Bình luận (0)