Bảy nhóm cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét thông qua, được kỳ vọng tháo gỡ ách tắc, tạo động lực, cú hích mới cho TP HCM bứt phá. Nhưng từ kỳ vọng đến hiện thực là một quá trình.
Giảm bớt gánh nặng mang vác
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM cho phép áp dụng trong 5 lĩnh vực quản lý đặc thù: Đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và cơ chế ủy quyền cho cấp huyện nhằm tăng tính chủ động, tự quyết và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố, bước đầu tạo thêm động lực cho đầu tàu kinh tế cả nước. Việc thành lập thành phố công nghệ, sáng tạo Thủ Đức cũng được kỳ vọng tạo ra nguồn lực mới cho thành phố.
Nhưng quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, TP HCM gặp phải "cú ngã" do 3 năm bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 như "cú đấm bồi", tác động tiêu cực tích lũy, liên hoàn lên nhiều ngành kinh tế và sinh hoạt, đời sống người dân.
TP HCM liên tục có đóng góp quan trọng nhất trong cả nước. Ảnh: TẤN THẠNH
Khi kinh tế TP HCM trên đà phục hồi khả quan sau đại dịch vào năm 2022 thì từ cuối năm đã xuất hiện hàng loạt khó khăn từ các ngành sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp thiếu hoặc mất đơn hàng, công nhân phải ngưng, nghỉ việc hàng loạt và tăng trưởng kinh tế sụt giảm sâu là một chỉ dấu báo động cho đầu tàu kinh tế cả nước.
Soi lại "túi tiền ngân sách", TP HCM liên tục có đóng góp quan trọng nhất trong cả nước nhưng tỉ lệ để lại nguồn thu ít ỏi, chỉ được để lại 18%. "Thành phố nghĩa tình" từ lâu là phương châm. Mô hình phát triển hài hòa là yêu cầu, TP HCM phải đi bằng "đôi chân" - kinh tế và văn hóa, xã hội và môi trường nhưng cũng cần được hài hòa giữa trách nhiệm với việc tạo ra động lực mới. Điều này một mặt cho thấy vai trò và sự đóng góp to lớn của thành phố nhưng tạo ra một thách thức khác.
Do sự phát triển không đồng đều giữa các địa bàn lãnh thổ - có nơi thuận lợi về điều kiện tự nhiên, xã hội hay lợi thế khác mà phát triển vượt lên trước nhưng cũng có địa bàn chậm phát triển. Vì vậy, việc áp dụng "trách nhiệm điều tiết ngân sách" của những trung tâm động lực kinh tế, tạo ra nguồn lớn như TP HCM là cần thiết để bù đắp thiệt thòi, khuyến khích, động viên nhóm yếu thế vươn lên hay rút ngắn khoảng cách giữa địa bàn khó khăn và địa bàn thuận lợi. Tuy vậy, "cơ chế trách nhiệm" cũng như cơ chế, chính sách đặc thù như "con dao hai lưỡi" - nếu làm tốt sẽ phát huy mặt tích cực, nếu bị lạm dụng sẽ tạo ra sức ì, sự ỷ lại, thêm gánh nặng, kìm hãm sự phát triển.
Không gian mới, nguồn lực mới và con người
Với triết lý phát triển "công bằng, bao trùm", TP HCM đã "cùng cả nước, vì cả nước" nhưng thành phố cũng phải vì mình để duy trì động lực phát triển.
Bảy nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được đệ trình Quốc hội xem xét thông qua gồm: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM; tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức (TP HCM). Trong đó, ngoài các chính sách kế thừa Nghị quyết 54, Chính phủ đề xuất 27 chính sách mới, khác luật hoặc chưa được quy định trong luật để phát triển TP HCM.
Triết lý đi trên "đôi chân phát triển" - kinh tế và văn hóa, xã hội và môi trường của TP HCM vẫn đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cần được xem là một cơ hội mới để tận dụng tạo ra nguồn vốn, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển thành phố. Nếu như sự năng động của TP HCM trong quá khứ và hiện tại, việc khai thác nguồn lực đầu tư là mô hình tốt cho các địa phương khác thì triết lý và mô hình phát triển hài hòa của TP HCM vẫn đang được kỳ vọng là một hình mẫu đáng tham khảo.
Ba vấn đề cốt lõi cần được xem xét như cách tiếp cận lâu dài vẫn là tạo ra không gian phát triển mới, tổ chức huy động nguồn lực mới và phát huy nguồn lực con người. Một trong những điểm nghẽn phát triển của TP HCM hiện nay được nhận diện là tổ chức bộ máy, cán bộ chưa đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Không chỉ là các cơ chế, chính sách đặc thù, mà những công việc giải quyết thường xuyên của các cấp, các ngành thành phố cần được giải quyết bằng thẩm quyền rõ ràng kèm theo trách nhiệm cụ thể.
Cần tăng quyền chủ động, tạo ra sự năng động, sáng tạo của chính quyền thành phố mà không phải chờ "xin - cho" của trung ương. Tạo nguồn lực, trước nhất là nguồn thu từ cơ chế quản lý đất đai, thuế, phí, lệ phí, vốn vay và các nguồn tài chính khác, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước... để chủ động đầu tư phát triển thành phố. Quyền chủ động quyết định của thành phố và nguồn lực tăng khả năng tạo ra nhiều chương trình, dự án đầu tư các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, môi trường. Tăng thu nhập thực sự của cán bộ, công chức, viên chức từ kết quả thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đi liền với trách nhiệm.
Những vấn đề cần ưu tiên
Động lực mới đến từ sức mạnh của khoa học - công nghệ, kết nối thị trường vốn, đổi mới sáng tạo và vai trò điều phối liên kết chặt chẽ giữa các vùng miền, đặc biệt là vai trò đầu mối kết nối không gian phát triển giữa 2 vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Trong đó, cần ưu tiên:
Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, viễn thông, công nghệ thông tin, tăng cường số hóa các chuyên ngành, đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các trung tâm tích hợp dữ liệu.
Hai là, khuyến khích việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, công nghệ điện toán đám mây, viễn thám, công nghệ sinh học, thông tin, tự động hóa...
Ba là, rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp lý có liên quan, thúc đẩy việc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hình thành đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ để khuyến khích việc nghiên cứu, thương mại hóa các phát minh, sáng chế, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Bình luận (0)