Có 3 giai đoạn tương ứng 3 nhóm chính sách riêng của Chính phủ trong việc duy trì và thúc đẩy hồi phục kinh tế, gồm: giai đoạn dịch bệnh bùng phát, giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế và giai đoạn phục hồi, xây dựng sức chống chịu của nền kinh tế. Bài viết này bàn đến giai đoạn sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát với đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh.
Cơ hội vàng để cải cách
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh chưa từng có đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia nói riêng. Chính phủ của tất cả các nước đều thực hiện nhiều giải pháp, chính sách giúp quốc gia vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh được xem là một trong những giải pháp quan trọng.
Thực tế, ở không ít quốc gia, khủng hoảng kinh tế thúc đẩy cải cách thể chế một cách có hệ thống bởi nó tạo ra môi trường chính trị thuận lợi. Nhiều dẫn chứng điển hình cho thấy những lợi ích mà cải cách môi trường, thể chế tạo ra là rất đáng kể, ví dụ Hàn Quốc trong và sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 90 thế kỷ trước.
Cải thiện môi trường kinh doanh được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU
Như vậy, Việt Nam cũng có thể tận dụng khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 để thực hiện những bước cải cách phù hợp. Từ kinh nghiệm quốc tế, không thể phủ nhận chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Ngay Việt Nam cũng có bài học rất rõ nét trong hàng chục năm qua về điều này. Chẳng hạn, sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Luật Doanh nghiệp (DN) được ban hành cùng với việc bãi bỏ hầu hết các loại giấy phép không cần thiết đã thổi "luồng sinh khí mới" vào môi trường kinh doanh, giúp khu vực tư nhân Việt Nam phát triển. Hay như sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 - 2010, một chương trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được thực hiện (từ năm 2013) và kế tiếp là chương trình cải thiện môi trường kinh doanh để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Từ đó, có thể khẳng định một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Cải cách đúng trọng tâm
Ở Việt Nam, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; làn sóng sau phức tạp hơn, rộng hơn và tác động xấu hơn so với làn sóng trước. Tuy chúng ta kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt song nền kinh tế, cuộc sống và sinh kế của người dân vẫn chịu tác động lớn. Cả trăm ngàn DN phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hàng chục triệu lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức và bị giảm chất lượng sống. Ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng kinh tế giảm sút mạnh thể hiện qua mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020 và 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chính phủ tuy kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch bệnh, trong đó có gói hỗ trợ an sinh lớn chưa từng có trị giá 62.000 tỉ đồng, song việc triển khai trên thực tế cũng như hiệu lực một số gói hỗ trợ không cao. Mặt khác, áp dụng công nghệ trong chống dịch, trong hoạch định chính sách nhìn chung còn hạn chế; thiếu vắng những chính sách linh hoạt trong hỗ trợ DN chống chịu với dịch bệnh.
Điều đáng lo ngại là tình hình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung bị chững lại kể từ khi đại dịch bùng phát. Những phân tích, đánh giá xác định khu vực tiềm năng, những ưu tiên chính sách, đặc biệt là những ưu tiên, trọng tâm của cải cách thể chế để phục hồi tăng trưởng nhanh sau đại dịch, vẫn còn trong "im lặng". Quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền không khác nhiều so với trước.
Trong khi đó, một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Ngay cả trong thời điểm khủng hoảng, nếu như không có nhiều rào cản gia nhập thị trường thì có thể hạn chế suy giảm mật độ DN; khuôn khổ pháp lý minh bạch, hợp lý sẽ hỗ trợ DN theo đuổi các hoạt động sản xuất, phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng trong giai đoạn đặc biệt này.
Trong trung và dài hạn, môi trường kinh doanh tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của DN khi bắt đầu quá trình phục hồi. Do đó, ở đâu có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh… thì ở đó DN dễ dàng khởi sự kinh doanh, nhanh chóng chuyển dịch hoạt động đáp ứng nhu cầu mới. Chưa kể, chất lượng môi trường kinh doanh còn có ý nghĩa quan trọng đối với thu hút đầu tư nước ngoài và sự liên kết của các DN trong nước với những chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần nhìn nhận rõ sự hỗ trợ mạnh mẽ của cải cách đối với phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Trong đó, lưu ý sử dụng khuôn khổ dữ liệu định hướng (data driven) để đánh giá các lĩnh vực có nhu cầu và có dư địa phát triển, từ đó có thể hoạch định chính sách ưu tiên một cách phù hợp, giúp gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Ngoài các bài viết để đăng báo (không quá 1.200 chữ), tác giả có thể gửi kèm đề án, phương án triển khai, giải pháp thực hiện. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 14-8-2021 đến 28-7-2022, qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng có 5 giải, gồm: 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)