TP HCM đã chi ra khoản kinh phí lớn để chống ngập nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Hàng loạt tuyến đường hễ mưa là ngập có thể kể tên như: Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Anh, Lâm Hoành, Đỗ Năng Tế, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Thức Đường... Tại TP Thủ Đức, các tuyến đường Hiệp Bình, Kha Vạng Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân… càng ngập nặng. Khu vực được cho là có địa hình cao như quận Gò Vấp thì các đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Nguyễn Văn Quá… cũng không thoát cảnh ngập.
Phải có cái nhìn toàn diện
Điều căn bản và đơn giản nhưng lại chưa được để ý trong chống ngập đó là thoát nước về nguyên tắc phải phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước có liên quan, không làm phát sinh điểm ngập… Ngoài ra, cũng phải bảo đảm thoát nước cho khu vực giao cắt với tuyến đường, thoát nước thải sinh hoạt cho nhà dân.
Nghĩa là phải có cái nhìn toàn diện, chống ngập là cho cả khu vực, không phải thoát nước cục bộ, không chỉ làm riêng trên một tuyến đường nào. Khi làm đường hay làm cống phải phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, sơ đồ các tuyến đường lân cận, mạng lưới thoát nước chung. Nâng đường không giải quyết triệt để ngập nước, ngược lại còn phản tác dụng, đẩy điểm ngập đến một số nơi lân cận, có khi lại chuyển ngập từ ngoài đường vào nhà. Nếu xem nâng đường là phương án chống ngập có lẽ phải nâng tất cả khu vực thấp bị ngập và đó là điều bất khả thi, chưa kể làm phát sinh những điểm ngập mới.
Chống ngập ở TP HCM nên có cái nhìn tổng thể với các biện pháp căn cơ hơn. Ảnh: LÊ VĨNH
Trên thực tế có những tuyến đường sau khi nâng cao để chống ngập đã trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, ngược lại, nước từ trong hẻm và đường xung quanh không có lối thoát, tạo thành dòng sông nhỏ trong khu dân cư khi có mưa lớn. Hệ lụy là nơi nơi đua nhau nâng đường, nâng hẻm, nâng nhà, khiến chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới.
Đánh giá lại toàn bộ công tác chống ngập
Cần xác định đúng nguyên nhân gây ngập mới có giải pháp thích hợp. Ngập có yếu tố lịch sử nhưng cũng có yếu tố hiện tại về công tác quản lý nhà nước, quy hoạch yếu kém. Việc chống ngập nên đặt cuộc sống người dân, lợi ích lâu dài lên hàng đầu. Tùy mức độ ảnh hưởng cần sự phản biện độc lập từ các chuyên gia, nhà khoa học.
Thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận. Với địa hình như TP HCM, nên tận dụng môi trường tự nhiên để thoát nước mưa ra sông, kênh, rạch hay những khu vực có đất trống, vùng trũng. Có thể kết hợp thêm máy bơm trong trường hợp địa hình thấp, không có vùng trũng và dòng chảy thoát nước.
Hiện hệ thống thoát nước tại TP HCM được đấu nối theo lưu vực, chưa bổ trợ nhau. Thực tế, lúc mưa lớn thì nhiều khu vực quá tải nhưng nơi khác chưa vận hành hết công suất. Để bảo đảm thoát nước, cống phải được đấu nối thông suốt, chỉ cần một vị trí nào đó bị bít cũng làm nghẽn dòng chảy và gây ngập.
Quan sát trên nhiều tuyến đường có thể thấy cửa thu nước xuống hố ga nhỏ và hẹp khiến nước thoát không kịp, nhất là khi mưa lớn. Chưa kể, cửa thu nước có kích thước gần giống nhau trong khi cống lớn, nhỏ khác nhau và bị bít gần kín bởi rác. Cần nạo vét, dọn rác thường xuyên để nâng cao năng lực thoát nước, mở rộng cửa thu nước phù hợp vì cống lớn có cửa thu nhỏ cũng giảm năng lực thoát nước.
Về lâu dài, chống ngập nên có cái nhìn tổng thể với các biện pháp căn cơ hơn. Ngập thường được cho là do yếu tố khách quan như mưa, triều cường, lún địa hình, biến đổi khí hậu. Yếu tố chủ quan, chẳng hạn lấp mặt bằng làm dự án bất động sản phân lô bán nền, lấn kênh, mương, rạch, đô thị hóa tự phát ít được đề cập. Trong khi chính những điều này dẫn đến mất cân đối trong quy hoạch, phát triển đô thị tại TP HCM là nguyên nhân làm mất dần hướng thoát nước, hình thành nút thắt.
Nên chăng rà soát tổng thể mặt bằng lưu vực, đánh giá lại toàn bộ công tác chống ngập trong các năm qua để có cái nhìn toàn diện hơn, xác định đúng nguyên nhân, đưa ra giải pháp hiệu quả trên cơ sở khoa học.
Không theo kịp sự phát triển
Theo thống kê, hệ thống thoát nước của thành phố đã lạc hậu, chỉ phục vụ cho dân số 1,5 triệu người từ năm 1975. Đến năm 1980, thành phố phát triển thêm về hướng Nam, khu vực quận 7, huyện Nhà Bè. Nơi này trước đây dành làm nơi tiêu thoát nước có nhiều kênh, rạch, ao đầm tự nhiên. Sau đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc biệt là tăng dân số.
Cống thoát nước với thực trạng dài khoảng 4.000 km, phần lớn lắp đặt từ thời Pháp, nhiều cống hơn 50 năm đã không còn phù hợp với quy mô đô thị và dân số hiện hữu. Cụ thể, hệ thống cống thoát nước từ khi thành phố có 1,5 triệu người không theo kịp sự phát triển của thành phố nay đã 13 triệu người, chỉ nước thải sinh hoạt đã tăng 8,5 lần.
Bình luận (0)