Trong những năm gần đây, TP HCM phải căng mình chống ngập nhưng rồi lại tái ngập, thậm chí xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Vì thế, vấn đề giảm ngập nước trên địa bàn TP đã trở nên cấp bách.
Chi phí thấp, dễ thực hiện
Đã có nhiều giải pháp, công trình được TP HCM triển khai hàng loạt để chống ngập và cũng đã đạt những kết quả nhất định như: làm bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường, xây bể chứa, thay đổi hay lắp thêm máy bơm, tăng kích thước hoặc xây dựng đường ống mới để đấu nối với hệ thống kênh, rạch... Đây là những giải pháp có tính lâu dài, kinh phí đầu tư rất cao trong khi ngân sách TP đang hạn hẹp, trong khi có quá nhiều dự án quan trọng cần kinh phí. Từ đó dễ dẫn đến sự kéo dài, chậm trễ trong việc ứng dụng.
Người dân sống hai bên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM khổ sở mỗi khi có triều cường Ảnh: LÊ PHONG
Khác với giải pháp cơ khí như trên, giải pháp hóa học mang tính đột phá cao với kinh phí đầu tư và vận hành thấp, dễ thực hiện với thiết bị gọn nhẹ, lắp đặt sử dụng nhanh. Đặc biệt, chất polymer dùng trong giảm ngập nước có tên Drag Reduction Polymer (gọi tắt DRP) không gây ảnh hưởng đến môi trường nước sẽ được xử lý. Chỉ cần khảo sát và ghi nhận khu vực tốc độ nước thoát chậm so với thiết kế của cống, từ đó đổ chất DRP vào tạo ra áp suất lớn có khả năng tăng công suất dòng chảy 40%. Từ đó giảm được tình trạng ngập lụt trong khu dân cư.
Nghiên cứu về giảm lực cản dòng chảy bằng chất DRP được phát hiện từ năm 1946, được mở rộng nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như ống dẫn dầu, vận hành giếng dầu, tưới tiêu trong thủy lợi, ứng dụng trong y sinh như dòng máu.
Chất DRP với độ kéo dài cao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối. Nó chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP có thể sử dụng ở đầu nguồn ngập, đầu miệng cống. Khi nước dâng ở mức báo động thì máy bơm tự động thả lượng DRP vào với lượng vừa đủ làm tăng công suất dòng chảy. Dòng chảy 1 m3 nước có thể sử dụng 20 g DRP, dòng chảy 10 m3 sử dụng 1 kg DRP.
Nhiều nơi áp dụng thành công
Trường Đại học Bristol (Anh) cùng cơ quan quản lý nước hạt Wessex và Hội đồng Nhân dân Britsol từ những năm 1970 đã thử nghiệm dùng chất DRP để đổ vào các cống thoát nước, qua đó nhận thấy tốc độ di chuyển của dòng chảy cao hơn bình thường từ 20%-40%.
Tại Thế vận hội mùa đông 2010 diễn ra ở Canada, số lượng du khách tăng gấp 5-7 lần so với số người dân ở TP Whistler. Chính quyền lo ngại khả năng ngập úng vì lượng người về đông và mưa lớn diễn ra. Để giải quyết bài toán chống ngập mang tính tức thời mà không tốn nhiều chi phí đầu tư và vận hành, chính quyền đã áp dụng giải pháp hóa học. Tức là thấy chỗ nào có nguy cơ ngập thì đổ chất DRP vào nhằm thoát nước thay vì bỏ tiền làm cống to hơn. Giải pháp này cho hiệu quả cao nhưng kinh phí không nhiều.
Ở Mỹ cũng đã thử nghiệm dùng hóa chất tại một số con kênh nhằm đẩy nước qua các khúc cua của kênh, tăng áp lực chảy nước. Kết quả khảo sát và kiểm nghiệm từ các cơ quan của chính phủ Mỹ cho thấy hóa chất DRP khi đổ vào cống và thải ra môi trường đều an toàn. Đã có thử nghiệm kiểm tra chất nói trên đối với chuột và chó trong vòng 2 năm và tất cả phát triển bình thường. Đặc biệt, không ảnh hưởng xấu đến người dân khi toàn bộ nguồn nước thải và chất DRP nằm trong cống rãnh và dễ dàng xử lý sinh học trong nước thải. Một vài chứng minh cũng cho thấy hóa chất không gây kích ứng da, độc tính cho cá, tôm và hệ sinh thái trong nguồn nước. Nhiều lo ngại đặt ra nếu dùng nguồn nước này phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, chất này cũng đã từng sử dụng rộng rãi và cho kết quả bình thường trong nước tưới công trình thủy lợi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-9-2019
Bình luận (0)