Trong thời đại kinh tế tri thức và kinh tế số trở thành xu thế tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp rất hay, cần được TP HCM đặc biệt quan tâm.
Tiềm năng rất lớn
Một nền nông nghiệp sản lượng cao, chất lượng đạt chuẩn với chi phí tối thiểu, tạo nên thặng dư giá trị cho người nông dân là mấu chốt giải quyết rất nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Về mặt quỹ đất, hiện TP HCM có diện tích đất nông nghiệp gần 114.000 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích toàn thành phố, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 66.000 ha, đất lâm nghiệp 35.684 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha, với hơn 25.300 hộ đang sản xuất nông nghiệp.
Về mặt khoa học kỹ thuật, ngoài số lượng kỹ sư, chuyên gia, chuyên viên nông nghiệp có hàm lượng tri thức cao, TP HCM có Trung tâm Công nghệ sinh học (diện tích 23 ha); Trại Thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF) với 200 con; 1 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 88 ha; đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ (89,7ha) và dự án mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu thêm 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi…
Trồng nấm thử nghiệm trong nhà kính tại Khu Thực nghiệm ứng dụng CNTT trong nông nghiệp Ảnh: THANH HIỆP
Về mặt thị trường tiêu thụ, TP HCM có 104 hợp tác xã, một liên hiệp HTX, có những chợ đầu mối lớn cùng hàng ngàn siêu thị bán buôn, bán lẻ. Kèm theo là nhu cầu về thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp ở TP HCM rất lớn vì có dân số lớn nhất cả nước, đời sống kinh tế - xã hội sầm uất.
Về mặt xuất khẩu, Việt Nam là một nước xuất phát điểm thuần nông, sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều thị trường quốc tế, dù khó tính nhất như Mỹ, Hàn, Nhật, châu Âu. TP HCM có nhiều đơn vị xuất khẩu nông sản hàng đầu, như: Tổng Công ty Lương thực miền Nam; Công ty CP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Agrex Sài Gòn, Công ty TNHH Galaxy Agro, Công ty CP Tập đoàn Intimex, Công ty CP Thực phẩm Vantrgap...
Tuy nhiên, theo thống kê, nông nghiệp TP HCM chỉ chiếm khoảng 1% GRDP toàn thành phố. Nông nghiệp không thể so sánh với công nghiệp, dịch vụ hay du lịch nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của thành phố, đồng thời 1% đó về mặt giá trị tuyệt đối là không hề nhỏ.
Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?
Có thể thấy những điều kiện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở TP HCM là hoàn toàn có cơ sở, cái cần là có định hướng đúng đắn, quyết sách có tính chiến lược.
TP HCM cần nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của TP HCM. Thực hiện điều này phải gắn các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông với nhau, có vai trò điều phối, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản TP HCM; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng theo các chuẩn của từng thị trường về hàm lượng kháng sinh, hóa chất…, phổ biến là VietGap, GlobalGap.
Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, lao động nông nghiệp nông thôn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Người dân làm chủ công nghệ, làm chủ dây chuyền sản xuất, sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa, kỹ thuật sử dụng phân bón...
Đặc biệt coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất. Các sàn thương mại điện tử không chỉ đơn thuần là những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản ngắn hạn mà dần trở thành giải pháp kinh doanh bền vững cho nông dân, là cầu nối đưa nông phẩm sạch với giá cả tốt đến tận tay người tiêu dùng.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua được xem là thử thách toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của thành phố, mọi thói quen, điều kiện về tiêu dùng, kinh doanh, sản xuất đều phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Nhưng thách thức nhiều thì cơ hội cũng rất lớn, nền nông nghiệp công nghệ cao cần được hỗ trợ tối đa để TP HCM phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh.
Bình luận (0)