Thời gian qua, chính quyền TP HCM luôn trăn trở với câu hỏi: "Vì sao du khách ít mua tour du lịch TP?". Có rất nhiều nguyên nhân mà ai cũng thấy nhưng trên hết, phải nói thẳng rằng chúng ta đã thiếu quyết tâm để tạo công trình có tính quyết định, đột phá cho du lịch TP; chưa tạo ra môi trường du lịch để đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm dài ngày của du khách, như Singapore đã làm với Sentosa, Marina Bay Sands hay Jewel Changi. Hoặc Busan (Hàn Quốc) xây dựng các con đường trên núi dài vài chục kilomet để du khách đi bộ, khám phá và thể thao…
Đầu tư "con đường tơ lụa"
Lịch sử thế giới cho thấy hầu hết các TP đều phát triển bên bờ các dòng sông, như TP London (Anh) uốn lượn bên sông Thames thơ mộng, TP Moscow (Nga) hùng vĩ bên dòng Volga quyến rũ, TP Trùng Khánh (Trung Quốc) trải dọc hai bờ Dương Tử Giang… Hầu hết các TP hiện đại đều xây dựng bờ sông thành điểm nhấn cho du lịch sở tại. Dòng sông không chỉ có vẻ dịu mát, êm đềm mà còn mang đến cho du khách tầm nhìn rộng mở thông qua dòng chảy và những cung đường uốn lượn. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử của du khách còn được đáp ứng bởi những hình ảnh cư dân và sinh hoạt bên bờ sông, hay những công trình văn hóa, lịch sử dọc bờ sông.
Ở nước ta, hầu hết các TP ven biển đều tận dụng bờ biển làm điểm nhấn du lịch: Hạ Long, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu… TP HCM lại có tài nguyên nước cực kỳ quý đó là sông Sài Gòn. Một dòng sông huyền thoại gắn bó tuổi thơ bao người và rất nhiều thế hệ mong muốn nó được trở nên tráng lệ, xứng đáng để mỗi khi nhắc tới TP HCM đều trìu mến tiếng yêu thương "Tôi yêu sông Sài Gòn", từ đó làm chủ đề lan tỏa những điều tử tế mà Đà Nẵng đã làm được.
Nếu như TP HCM làm được "con đường tơ lụa" bờ sông Sài Gòn sẽ có tác động cơ bản cho du lịch TP, ngoài ra còn góp phần gia tăng tiềm năng khai thác, kết nối các điểm danh lam thắng cảnh của vùng lân cận như: Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
TP HCM cần một tuyến đường ven sông xuyên suốt chạy dài từ quận 1 tới Củ Chi để phát triển du lịchẢnh: Hoàng Triều
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Để làm được điều này, TP HCM cần một tuyến đường ven sông xuyên suốt chạy dài từ quận 1 tới Củ Chi. Việc lựa chọn "con đường tơ lụa" theo hướng này bởi độ dài có thể thông suốt với điều kiện cư dân và đô thị hóa hiện hữu. Trước đây, Tập đoàn Tuần Châu đã trình dự án nhưng chưa được chấp thuận do chi phí giải tỏa cao. Nhớ khi xưa, chủ trương cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc đã bị nâng lên hạ xuống nhiều lần, thậm chí có ý kiến thay tuyến kênh mở bằng đường bộ chạy trên cống nước thải. Nếu không có sự quyết đoán, tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo TP thì không thể có dòng kênh Nhiêu Lộc đẹp như ngày nay.
Theo dự án Tuần Châu, đây sẽ là tuyến đường cao tốc và TP sẽ sử dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng để trang trải chi phí đầu tư. Đây là ý tưởng phù hợp với tình hình ngân sách hiện tại của TP. Tuy nhiên, hướng tuyến giao thông Tây Ninh đã giải phóng bởi Quốc lộ 22 (mở rộng) và cao tốc Mộc Bài (chuẩn bị thi công), do đó việc mở thêm tuyến cao tốc là chưa thực sự cần thiết. Việc xây dựng tuyến bờ sông tốc độ <60 km/giờ giúp giảm chi phí đầu tư, giải tỏa và bảo đảm tiêu chí trải nghiệm du lịch của "con đường tơ lụa". Đáng chú ý, người dân trong khu vực này được ở, sinh sống, khai thác du lịch theo mô hình, quy hoạch được duyệt để phát triển kinh tế du lịch nhà vườn; đặc biệt không phát triển khu dân cư cao tầng tại các khu vực này để giữ gìn cảnh quan, tạo không gian rộng mở cho du khách. TP HCM sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện, đồng thời kêu gọi sự đồng thuận của cư dân dọc tuyến theo hình thức công - tư kết hợp để cùng thực hiện dự án.
Khi đã có "con đường tơ lụa", du khách và người dân đô thị sẽ có thêm lựa chọn du lịch dã ngoại ra các vùng ven với khoảng cách không quá xa, có thể đi về trong ngày hoặc 2 ngày. Du khách có thể vận chuyển bằng xe điện du lịch, xe đạp hoặc thậm chí là đi bộ trên tuyến đường để trải nghiệm các danh lam thắng cảnh, khu văn hóa tâm linh hoặc tìm về với ruộng vườn, cây trái để hòa mình vào thiên nhiên xanh. Điểm cuối con đường sẽ là địa đạo Củ Chi và Đền tưởng niệm Bến Dược, địa chỉ du lịch nổi tiếng của TP xưa và nay.
Vừa qua, Mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations đã xếp TP HCM đứng thứ 3 trong các thành phố tốt nhất thế giới để sống, làm việc và kết bạn năm 2020. Hy vọng "con đường tơ lụa" sẽ giúp TP HCM nâng hạng ,trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và thế giới.
Cuộc thi hiến kế kết thúc ngày 22-1
Từ ngày 24-9-2019, Báo Người Lao Ðộng phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". Do yêu cầu của bạn đọc và vì số lượng bài hiến kế có chất lượng gửi đến nhiều, vì vậy cuộc thi sẽ kéo dài đến hết ngày 22-1 (thay vì 31-12-2019). Việc công bố kết quả sẽ diễn ra vào cuối tháng 2-2020 và trao giải vào đầu tháng 3-2020.
Các tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (vui lòng để lại thông tin liên hệ: số điện thoại). Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng).
Bình luận (0)