TP HCM có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, năng suất lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tài chính... Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế. Sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ.
Nhiều tiềm năng và thách thức
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích cả nước nhưng trong các năm qua, TP HCM đã đóng góp khoảng 23% GDP và khoảng 27% ngân sách quốc gia. TP HCM thu hút hơn 33% số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), kiều hối... Hơn nữa, mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP HCM hiện vào loại cao nhất so với các đô thị khác trong nước.
Nếu lấy TP HCM làm tâm điểm và xem xét trên phạm vi bán kính 3 giờ bay thì TP nằm ở vị trí trung tâm của toàn khu vực Đông Nam Á. Đây là vị trí chiến lược tạo điều kiện để TP trở thành trung tâm của thị trường tài chính khu vực. Bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới càng tạo điều kiện thúc đẩy sự trỗi dậy của TP HCM, là cơ hội để TP chớp thời cơ đón các nhà đầu tư ngoại.
Mặt khác, sự năng động của khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây ở hầu khắp các lĩnh vực càng làm tăng sức hấp dẫn của khu vực mà tại đó, TP HCM đang là điểm đến đầu tư nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế...
TP HCM đang là điểm đến đầu tư nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển kinh tế TP HCM đã đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, việc phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của địa phương.
Tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế. Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Điều này làm tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm. Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia và chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.
Vị thế của TP HCM và Việt Nam trên bản đồ các thị trường tài chính trên thế giới còn khiêm tốn. TP HCM vẫn chưa xuất hiện trong bất kỳ bảng xếp hạng thị trường tài chính mạnh nào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua ở mức cao nhưng TP HCM vẫn có xuất phát điểm thấp trong cuộc đua với các TP khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính thế giới nên TP HCM sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, trong khi những trung tâm tài chính cũ đã khẳng định được vị thế trong thời gian dài.
Cần cơ chế đặc biệt để phát triển
Yếu tố thành công của đề án thành trung tâm tài chính là vấn đề thể chế. TP HCM cần được hưởng những cơ chế đặc thù, vượt trội hoàn toàn so với các địa phương khác và có thể cạnh tranh được các trung tâm tài chính trong khu vực.
Trước hết cần nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường tài chính. Bên cạnh việc thị trường hóa cao độ các dịch vụ tài chính tương thích với các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế thông qua việc sửa đổi luật lệ, quy định, chính sách..., các nhà điều hành thị trường tài chính cũng cần phải chuyên nghiệp, tách bạch các chức năng ban hành luật lệ và giám sát thị trường.
Kế đến là cần đa dạng hóa các thành phần tham gia thị trường, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đặc biệt, để thu hút các định chế tài chính quốc tế - đặc điểm cốt yếu của một trung tâm tài chính - TP HCM cần giải bài toán về chính sách thuế, chính sách tiền tệ và cơ sở hạ tầng. Trong đó bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, logistics và thanh toán. Cần đào tạo và thu hút được những nhân lực có kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ... Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc trong chính sách nhập cư, chính sách giáo dục và các chính sách khác trên thị trường lao động.
Nhằm nắm bắt cơ hội hiện tại, TP HCM cần đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, không chỉ hoạt động khoa học - công nghệ mà còn trong việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù mà TP đang được hưởng. TP cũng cần là nơi thử nghiệm những chính sách mới nhất, cởi mở và mạnh mẽ nhất nhằm tìm hướng đi riêng biệt. Với điều kiện Việt Nam và TP HCM hiện nay, có thể lựa chọn trước hết xây dựng trung tâm tài chính với ý nghĩa là một trung tâm tài chính quốc gia, từ đó vươn lên làm nhiệm vụ trung chuyển luồng tiền trong khu vực với các dịch vụ tài chính đa dạng. Trước mắt, TP HCM cần thực hiện tốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong dân hiệu quả, sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình phát triển.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)