Thời gian qua, TP HCM đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất. Vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ là chìa khóa để thành phố thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong thời gian tới.
Hiểu đúng về nhà đầu tư chiến lược
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, nhà đầu tư chiến lược đáp ứng các điều kiện: Có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên khi thực hiện dự án, có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn từ 2.000 tỉ đồng trở lên;
có vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỉ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn từ 10.000 tỉ đồng trở lên;
có vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng trở lên khi thực hiện dự án và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn từ 25.000 tỉ đồng trở lên.
Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khu Công nghệ cao TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM gồm: Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỉ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch, có quy mô vốn từ 50.000 tỉ đồng trở lên.
Để có giải pháp đúng
Trong thời gian tới, TP HCM cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả; đồng thời có thể tham khảo, thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết, TP HCM cần tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, minh bạch và phòng ngừa rủi ro tham nhũng. Tập trung rà soát, kiến nghị cắt giảm hoặc chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh gắn với việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp (DN).
Triển khai có hiệu quả việc kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.
Chú trọng xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và môi trường thực.
Chuẩn hóa và điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; nâng cao tỉ lệ cung cấp, sử dụng thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh giao dịch thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính.
TP HCM cần tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, DN, thuế và các vấn đề liên quan việc triển khai dự án đầu tư, công tác hỗ trợ phát triển để DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin trong việc triển khai các kế hoạch, phương án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư phải có chọn lọc. TP HCM cần nghiên cứu đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hình thức, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và đầu tư để chủ động tiếp cận các nhà đầu tư có chiến lược đầu tư vào địa bàn thành phố.
TP HCM cần xây dựng các biện pháp hỗ trợ DN thực hiện những thủ tục về đăng ký đầu tư và kinh doanh, nộp thuế trên địa bàn; hợp tác và hỗ trợ DN phát triển hạ tầng khu công nghiệp, DN có hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đối với hoạt động thu hút đầu tư phân theo từng nhóm ngành; yêu cầu về hàm lượng công nghệ và chuyển giao công nghệ; tiêu chí về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; tiêu chí về hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ; tiêu chí về bảo vệ môi trường; điều kiện về an ninh, quốc phòng và các tiêu chí về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
TP HCM cần triển khai mô hình hợp tác "ba nhà" (nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà tư vấn) trong xúc tiến các dự án; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về cơ chế, chính sách, pháp lý, nghiệp vụ về kinh doanh, quản lý đầu tư, phát triển thị trường đối với các lĩnh vực đầu tư.
Cùng với đó, có thể xây dựng một số công cụ phục vụ các hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư có chọn lọc, gồm dòng vốn đầu tư mới và dòng vốn đầu tư tại chỗ. Công cụ có thể thực hiện được trong thời gian tới là bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư.
Bộ công cụ này cần có chỉ tiêu cụ thể đối với các dự án ở từng lĩnh vực, trong đó phải có các tiêu chí về bảo vệ môi trường và giảm phát thải, dự án có tác động lan tỏa... Bộ công cụ này phải dễ hiểu, dễ áp dụng, không tạo thêm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, nhà đầu tư; không tạo áp lực cho nhân sự của các cơ quan nhà nước khi áp dụng.
Bên cạnh đó, xây dựng bộ công cụ về theo dõi, giải quyết vướng mắc, khiếu nại và vi phạm của nhà đầu tư theo phân công trách nhiệm tại Luật Đầu tư để có thể thực hiện tốt việc chăm sóc các hoạt động đầu tư trên địa bàn nhằm thu hút các hoạt động đầu tư mở rộng, khuyến khích DN, nhà đầu tư hiện hữu, thu hút dòng vốn đầu tư mới.
Bình luận (0)