TP HCM đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển theo hướng đô thị thông minh. Thế nhưng, để làm được điều đó, trước tiên cần phải giải quyết được vấn đề kẹt xe bởi đây là trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng chất lượng sống, cản trở phát triển kinh tế. Đây còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, tiếng ồn, tai nạn giao thông...
Mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện
Thực tế cho thấy quá tải phương tiện xe cá nhân (PTXCN), trong đó có xe máy tạo áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng giao thông. TP HCM hiện có khoảng 8 triệu xe máy, hơn 700.000 ôtô, trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện được đăng ký mới, tức mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện. Trong khi đó, mặt đường phát triển không thể theo kịp, nhất là khu trung tâm càng khó mở rộng.
Vào giờ cao điểm, ôtô và xe máy bủa vây xe buýt - phương tiện công cộng (PTCC) chủ lực - khiến xe buýt càng khó thu hút hành khách. Trong 8 tháng đầu năm 2019, hành khách đi xe buýt tiếp tục giảm, chỉ còn 131 triệu lượt, đạt 51% kế hoạch năm 2019 và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Cho dù đã tăng cường nhiều tuyến xe chất lượng cao, trang bị máy điều hòa, phục vụ tốt hơn… nhưng trở ngại với xe buýt chính là chưa có làn đường riêng hoặc ưu tiên.
Một khi so sánh thuận lợi và bất tiện giữa xe buýt và xe cá nhân, người dân sẽ chọn PTXCN để di chuyển. Cơ quan quản lý cũng khó thông qua thuế phí để tăng giá xe, xăng dầu, phí lưu thông vì thực tế cho thấy lần nào nêu ra ý kiến kiểu này cũng bị người dân phản ứng. Đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP HCM" sau những lần được đưa ra phản biện, thu hút sự chú ý công luận nhưng lại bị nhiều người sử dụng xe máy phản đối.
Quá tải phương tiện xe cá nhân, trong đó có xe máy tạo áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng giao thông của TP HCM.Ảnh: Gia Minh
Kinh nghiệm quốc tế
Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc) hoặc gần nhất là Bangkok (Thái Lan) đã thành công trong việc cấm xe máy. Những đô thị này đã thông qua chủ trương trước đó hàng chục năm làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị về thủ tục, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, kết nối giao thông thuận lợi, sắp xếp nơi ở và việc làm cho người dân… Hay như TP Yangon (Myanmar) chằng chịt ngõ hẻm, chưa có metro, cơ sở hạ tầng lạc hậu hơn TP HCM, số lượng xe máy rất lớn… nhưng cũng đã thông qua chủ trương vào năm 2003, cấm xe máy thành công từ năm 2009. Sau khi thông qua chủ trương cấm xe máy, chính quyền đã tuyên truyền ý thức giao thông, tăng cường xe buýt, kết nối giao thông, hạn chế dần rồi tiến tới cấm. Cấm lần một bị thất bại, cấm tiếp lần hai mới thành công, cuối cùng thuyết phục được người dân.
Một chuyên gia Nhật Bản từng chia sẻ cách thức các đô thị lớn tại Nhật Bản giải quyết kẹt xe là tác động vào nhận thức người tham gia giao thông, trước hết là giới công chức. Những người làm việc trong khu vực nhà nước, từ nhân viên đến lãnh đạo phải làm gương trong việc không vi phạm quy định giao thông, bỏ thói quen sử dụng PTXCN. Ở Nhật Bản, hơn một nửa các cơ quan nhà nước cấm nhân viên dùng xe riêng đi làm. Ngoài ra, áp dụng các biện pháp đánh vào kinh tế để giảm thiểu xe cá nhân trên đường phố. Như ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức rất cao khiến người dân thấy đi PTCC rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến. Tạo thuận lợi cho PTCC, làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng chính quyền vẫn chấp nhận đánh đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ PTXCN sang PTCC.
TP HCM cần làm gì?
Giải quyết kẹt xe và hạn chế PTXCN không thể tách rời quy hoạch chung, phân bố dân cư hợp lý, sắp xếp nơi sinh sống và làm việc cho người dân… Tất nhiên phải đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống VTHKCC với khối lượng lớn như metro… Những việc này đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí khá lớn. Cần thêm giải pháp trước mắt trong khi chờ đợi.
Không thể trong một đêm hoặc ngày một, ngày hai cấm xe máy. Nên chăng, ngành giao thông tuyên truyền, giải thích đến từng tổ dân phố để nhiều người hiểu rõ hơn đề án "Tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP HCM", nhất là mục tiêu hạn chế và cấm xe máy theo lộ trình khi bảo đảm nhu cầu đi lại, giao thông công cộng, phương tiện thay thế.
Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn là từ các cơ quan, ban, ngành nhà nước. Từ bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân của những người làm việc trong khu vực nhà nước sẽ tạo ra tiền đề tốt, thiết thực để nhân dân cùng hưởng ứng. Yangon (Myanmar), Tokyo (Nhật Bản) đã làm và cho thấy thành công, lẽ nào giải pháp này không thể áp dụng hoặc không làm được ở TP HCM?
Chủ trương hạn chế xe cá nhân nếu được thông qua sẽ làm cơ sở pháp lý huy động vốn, xã hội hóa kêu gọi đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông và PTCC. Buộc phải có cách làm quyết liệt nhưng tùy điều kiện từng đô thị với kết cấu đặc thù khác nhau mà chọn thời điểm thích hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Trước sau gì cũng phải hạn chế rồi tiến tới cấm hẳn xe máy khu vực trung tâm để giảm kẹt xe và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Khả năng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị "đi trước một bước" để tháo bỏ dần các rào cản như chuyển đổi phương tiện hợp lý, xử lý xe máy quá niên hạn, không cho phép lưu thông đối với xe máy quá cũ hoặc không bảo đảm an toàn. Từ đó, khu vực nào đủ điều kiện, PTCC đáp ứng thì hạn chế dần và tiến tới ngừng đăng ký mới xe máy.
Ngoài ra, giải quyết tình trạng ôtô dừng đậu dưới lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm một cách hiệu quả, hình thành thói quen đi bộ, xe buýt có làn đường riêng hoặc ưu tiên, giới công chức đi làm bằng xe buýt… thì không lo doanh nghiệp tư nhân không đầu tư phát triển giao thông công cộng cũng như xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng…
Một số giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông
Để giảm ùn tắc giao thông, cần tác động đồng bộ 4 yếu tố:
Hệ thống vận tải
- Khuyến khích đi xe đạp, mở nhiều điểm cho thuê xe đạp với giá ưu đãi gắn với hệ thống giao thông công cộng (bus và metro). Tổ chức mô hình xe đạp công cộng kết hợp với đi bộ trong bán kính gần.
- Nâng cao chất lượng hệ thống PTCC bằng giá cả, chất lượng xe, dịch vụ, quy mô địa bàn phục vụ, ưu tiên các tuyến đường... Hạn chế phát triển xe cá nhân bằng cách đánh thuế trên người sở hữu xe mới, thu thuế lưu thông, tăng thuế nhập xe...
Người tham gia giao thông
- Giảm nhu cầu tham gia giao thông bằng cách giảm khoảng cách giữa con người và nơi họ cần đến mỗi ngày. Điều này được giải quyết chủ yếu bằng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Đó là khuyến khích hình thành các đô thị vệ tinh, làng đô thị, đô thị đại học nhằm tập trung không gian ở, học tập, làm việc, mua bán, trao đổi và nghỉ ngơi thư giãn, giải trí trong một giới hạn gần.
- Nâng cao ý thức tham gia giao thông bằng cách tuyên truyền ý thức chấp hành luật lệ giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; đưa chương trình giáo dục văn hóa giao thông vào các môn học từ cấp tiểu học; nâng cao chế tài xử phạt.
Hạ tầng giao thông
Nâng cao chất lượng bảo trì, sửa chữa các công trình, tuyến đường; đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình giao thông; xây dựng đường vành đai đô thị để phân luồng phương tiện từ ngoại thành vào nội thành; ưu tiên xây dựng hệ thống cầu chui, cầu vượt ở những nút giao thông có lưu lượng không phù hợp với hệ thống đèn tín hiệu.
Các đơn vị quản lý giao thông
Quy hoạch giao thông cần tổng thể, đồng bộ, hiệu quả, có tầm nhìn dài hạn, thống nhất đối với 3 vấn đề trong nội thành: Giao thông - điện - nước. Phân luồng giao thông để giảm thiểu ùn tắc cục bộ; xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; nghiên cứu và ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin để chống ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ; giảm tham nhũng trong xây dựng các công trình giao thông…
Trần Minh Đức
Bình luận (0)