Thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng và phát triển TP HCM. Nghị quyết 98/2023/QH15 đã đề cập việc tạo động lực để thu hút NĐT vào các ngành nghề ưu tiên với các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục hải quan [1]. Chính sách này tuy rất quan trọng nhưng chỉ đóng góp một phần trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho NĐT.
Mô hình mới - Business Ready
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, chất lượng môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định để thu hút NĐT chiến lược.
Nghiên cứu của Farok J. Contractor và cộng sự cho thấy hệ thống pháp luật và sự thuận tiện trong kinh doanh là những yếu tố quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài [2]. Báo cáo của Ủy ban Tài trợ phát triển doanh nghiệp (DCED) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), sự phát triển kinh tế và cơ hội việc làm. Chính phủ cần thiết kế các chương trình cải cách để khuyến khích DN chuyển đổi đầu tư, đổi mới và tạo ra công việc chất lượng cho người dân [3].
Thu hút nhà đầu tư chiến lược là một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng và phát triển TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Business Ready (B-Ready) là mô hình do Ngân hàng Thế giới phát triển để đánh giá môi trường kinh doanh của các quốc gia, thành phố trên thế giới. B-Ready tập trung đánh giá mức độ hiệu quả của khung pháp lý, dịch vụ công cộng và việc áp dụng chúng trong thực tế, hướng đến cải cách chính sách, cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu về giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển. Mô hình đánh giá này bao gồm 10 lĩnh vực quan trọng của hoạt động kinh doanh, như: việc áp dụng công nghệ số, bền vững về môi trường và bình đẳng giới... [4].
Ưu điểm nổi bật của B-Ready là xem xét toàn diện trên góc độ của từng DN và sự phát triển của toàn bộ kinh tế tư nhân, cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Mô hình này hướng đến mục tiêu bảo đảm khả năng so sánh giữa các nền kinh tế, tập trung vào các thông lệ và tiêu chuẩn được công nhận quốc tế [4].
Một số nước và thành phố trên thế giới đã bắt đầu áp dụng mô hình này cho việc cải thiện môi trường kinh doanh. Mới đây, Thượng Hải - Trung Quốc đã có sự điều chỉnh các biện pháp nhằm nâng cao môi trường kinh doanh theo mô hình B-Ready với mục tiêu vượt qua các thách thức và thu hút đầu tư trong dài hạn [5].
Một số gợi ý cho TP HCM
Dựa vào phương pháp B-Ready, TP HCM có thể định hình một chiến lược đa chiều để thu hút NĐT chiến lược, tập trung vào 3 trụ cột: khung pháp lý, dịch vụ công và tính hiệu quả.
Trước tiên, TP HCM cần xây dựng một khung pháp lý vững chắc, giúp DN hoạt động trong môi trường ổn định và ít biến động, đồng thời nâng cao uy tín của thành phố trên trường quốc tế.
Tiếp theo, TP HCM cần tập trung đầu tư vào các dịch vụ công cao cấp, như tiện ích và hạ tầng kỹ thuật số, đặt ra những tiêu chuẩn cao để bảo đảm sự hỗ trợ tối ưu cho DN. Trong quá trình này, việc số hóa và minh bạch hóa các quy trình là không thể thiếu, giúp DN dễ dàng tuân thủ các quy định và tăng cường niềm tin từ phía NĐT.
TP HCM cũng cần chú trọng tính hiệu quả của sự kết hợp các cải cách về khung pháp lý và dịch vụ công trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nâng cao tính hiệu quả có thể bao gồm việc rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí phát sinh liên quan đến quá trình thành lập DN.
Thực hiện tốt 3 trụ cột nói trên sẽ giúp TP HCM cải thiện đáng kể và toàn diện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút DN và NĐT, đặc biệt là NĐT chiến lược, với mong muốn hợp tác và đóng góp lâu dài cho sự phát triển của thành phố.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phù hợp với mô hình B-Ready thể hiện cam kết của TP HCM đối với các tiêu chuẩn chung toàn cầu, nâng cao vị thế và uy tín đối với NĐT quốc tế. Điều này giúp TP HCM tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng hiện có để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các NĐT trong và ngoài nước.
Những điều cần lưu ý
Báo cáo của DCED và các nghiên cứu đã chỉ ra những điểm quan trọng mà TP HCM có thể lưu ý trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh [3]:
Thứ nhất, cải cách môi trường kinh doanh là một quá trình phức tạp, đa chiều. Vì vậy, TP HCM cần tiến hành phân tích sâu rộng, duy trì một góc nhìn hệ thống, xem xét những nguyên nhân và tác động một cách toàn diện. Hơn nữa, các biện pháp nên nhằm vào việc nâng cao năng lực của những bên liên quan để đáp ứng các yêu cầu cải cách trong ngắn hạn và lâu dài.
Thứ hai, các bên liên quan - gồm chính quyền TP HCM và các cơ quan, ban ngành chức năng, các thành phần kinh tế tư nhân và người dân - nên đóng vai trò nhất định trong quá trình cải cách. Trong đó, chính quyền thành phố giữ vai trò đầu mối, đảm nhận trách nhiệm chính đối với quá trình cải cách. Các cơ quan, ban ngành và các bên liên quan khác đóng vai trò hỗ trợ, trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng giữa thông lệ quốc tế và sự tính đặc thù của địa phương.
Thứ ba, TP HCM cần có các chương trình truyền thông mạnh mẽ và hợp lý để các bên liên quan nhận thức đúng đắn về những lợi ích và trách nhiệm của họ đối với cải cách được đề xuất. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành liên quan cần có sự nhận thức hợp lý về khoảng cách giữa các quy định và việc tuân thủ quy định trong thực tế để chủ động trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Các biện pháp cải cách có thể được điều chỉnh dựa trên đánh giá thực tế, theo những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Tuy nhiên, TP HCM cần duy trì một góc nhìn dài hạn để bảo đảm tính bền vững của chiến lược nâng cấp toàn diện môi trường kinh doanh.
Tài liệu tham khảo: [1] Nghị quyết 98/2023/QH15. [2] Farok J. Contractor, Ramesh Dangol, N. Nuruzzaman, S. Raghunath (2020). "How do country regulations and business environment impact foreign direct investment (FDI) inflows?" International Business Review. [3] DCED (2008). Supporting Business Environment Reforms. Washington, DC: Donor Committee for Enterprise Development. [4] World Bank (2023). The B-READY Methodology Handbook. [5] Arendse Huld (2023). Shanghai Looks to Attract Foreign Investors with New Measures. China Briefing.
Bình luận (0)