Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tương hỗ và là động lực của nhau. Để phát triển bền vững, phải biết khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, biến nguồn lực văn hóa thành động lực tăng trưởng kinh tế trước xu thế mới.
Nguồn lực văn hóa của Cần Giờ
Nguồn lực văn hóa được hiểu là tổng hòa các yếu tố văn hóa (con người, sản phẩm văn hóa và các quan hệ văn hóa) tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương hay quốc gia.
Trong đó, con người là nguồn lực cốt lõi, tạo ra động lực, sức mạnh nội sinh và mang tính quyết định thúc đẩy sự phát triển; các sản phẩm văn hóa là yếu tố (tính bản địa, hệ thống di sản, lễ hội, ẩm thực...) biểu thị bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc; các quan hệ văn hóa là hệ thống pháp luật, hệ giá trị chuẩn mực xã hội, mối quan hệ giữa con người với nhau...
Nếu quan tâm bồi đắp, khai thác, phát huy tốt các yếu tố trên, nguồn lực văn hóa sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.
Cần Giờ có điều kiện rất đặc biệt so với các địa phương còn lại của TP HCM, nơi đây có biển, có rừng. Xét về các sản phẩm văn hóa, Cần Giờ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa lịch sử.
Bởi quá trình hình thành, phát triển, các cộng đồng dân cư nơi đây đã tạo nên đời sống văn hóa rất phong phú, đa dạng. Cần Giờ không chỉ có "Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn quốc tế", mà bờ biển nơi đây còn đậm vẻ hoang sơ, không gian trong lành, với nhiều loại hải sản tươi ngon.
Du khách đến với đảo Thạnh An (Cần Giờ) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ địa huyền thoại Rừng Sác là nơi các chiến sĩ, lực lượng đặc công, du kích trú ẩn an toàn, nơi xuất phát điểm của nhiều trận đánh vang dội toàn miền Nam; giờ đây, căn cứ địa đó trở thành di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia...
Nhiều năm trở lại đây, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, TP HCM đã dành nhiều sự quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của Cần Giờ.
Đáng chú ý, ngày 26-9-2022, Thành ủy TP HCM đã ra Nghị quyết 12 "Về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030" với nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đề ra để Cần Giờ phát triển nhanh theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và trở thành không gian mới thúc đẩy TP HCM phát triển.
Phát huy tối ưu các nguồn lực
Để làm cho nguồn lực văn hóa trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước yêu cầu phát triển mới, Cần Giờ quan tâm hơn nữa đến những vấn đề sau.
Thứ nhất, chú trọng phát huy tối ưu nguồn lực con người, xem con người là trung tâm, chủ thể, sáng tạo của sự phát triển. Không chỉ xem trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực mà cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh, ý chí, phẩm chất, khí phách của người Cần Giờ; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo trong phát triển loại hình du lịch văn hóa để đánh thức tiềm năng, biến các giá trị văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh.
Thứ hai, với những điều kiện đặc trưng vốn có, việc khai thác, phát huy hiệu quả các sản phẩm văn hóa của Cần Giờ phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản, như: Đối với hoạt động du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cần xem trọng nâng cao nhận thức, tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ kinh nghiệm, vốn đầu tư, cơ sở vật chất và các chính sách cho cộng đồng dân cư; tạo mọi điều kiện và trao quyền làm chủ cho họ thực hiện các dịch vụ du lịch nhưng phải có sự định hướng, quản lý của cơ quan chức năng. Đối với ẩm thực, lưu trú, đi lại, mua sắm cần chú trọng tính khám phá, trải nghiệm cho du khách.
Để du lịch văn hóa lịch sử tạo nên sự hấp dẫn cho du khách, ngoài việc tổ chức tham quan các di tích lịch sử cách mạng, có thể xây dựng các tour cho du khách được gặp trực tiếp, trao đổi, nghe những câu chuyện lịch sử, nhất là những trận đánh, chiến công oanh liệt của đặc công Rừng Sác từ các nhân chứng. Ngoài ra, cần quan tâm nghiên cứu xây dựng chương trình nghệ thuật ngoài trời (kết hợp dàn dựng sân khấu hiện đại) với tên gọi nêu bật được tiến trình lịch sử của vùng đất này.
Thứ ba, cần chủ động trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là sớm cụ thể hóa Nghị quyết 12 bằng chính sách cụ thể, khả thi. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 12 đi vào chiều sâu; các ngành phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý các hoạt động văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình luận (0)