TP HCM đã và đang triển khai quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh bao quanh vùng đô thị lõi nhằm trở thành TP đa trung tâm, đa phân khu chức năng để giãn dân ở khu lõi trung tâm.
Bốn đô thị vệ tinh
Theo đó, phía Đông gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211 km2, trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao.
Phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần quận 8 (phần phía Nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Ở đây sẽ phát triển dịch vụ cảng, gắn với các dịch vụ thương mại khác.
Phía Bắc gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn với diện tích 149 km2 sẽ phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Phía Tây gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh với diện tích 191 km2. Đây là khu đô thị đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL.
So với khái niệm đô thị vệ tinh, nhìn lại quy hoạch 4 khu đô thị vệ tinh của TP thời gian qua có thể thấy chưa hợp lý vì cả 4 khu vực vẫn nằm trong các quận, huyện của TP HCM và quá gần trung tâm nên hầu như không có chức năng "vệ tinh" mà thực chất là mở rộng không gian đô thị về 4 hướng. Tức là đô thị hóa các vùng nông thôn còn lại và TP sẽ trở thành "siêu đô thị" cả về quy mô và dân số.
Mô hình này bộc lộ nhiều điểm yếu vì nó không tránh được sự quá tải toàn diện. Vả lại, xu hướng của thế giới ngày nay tránh trở thành "siêu đô thị". Do vậy, việc tìm ra giải pháp phù hợp cho đô thị vệ tinh ở TP HCM hiện nay là rất quan trọng.
Để một đô thị vệ tinh hình thành theo đúng nghĩa không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính mà phải thu hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao như con người, tài chính và tài nguyên. Nói cách khác, các đô thị vệ tinh phải đủ hấp dẫn để "kéo" người dân đến sinh sống, làm việc, có kết nối tốt với các đô thị trung tâm; gắn với phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, chất lượng, từ đó tạo ra sự phân bổ dân cư hài hòa trong vùng, giảm áp lực cho đô thị trung tâm. Đặc biệt chú trọng phát triển các khu đô thị gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị phía Đông TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Cần mô hình quản lý riêng
Cụ thể, các đô thị vệ tinh cần dựa trên lợi thế, nguồn lực tự thân, sự tác động của cấu trúc không gian vùng TP HCM và các mối quan hệ quốc gia, quốc tế có liên quan. Phát triển theo mô hình đa trung tâm dựa trên cơ sở phát triển hệ thống khung giao thông vận tải vùng và giao thông công cộng, bảo đảm việc kết nối các tỉnh, TP, các vùng chức năng, các trung tâm động lực chính trong vùng và phụ cận, bảo đảm việc đi lại thuận tiện, an toàn, văn minh cho người dân.
Giãn dân ở các vùng trung tâm ra các vùng ven là bài toán mà các nhà quy hoạch của TP HCM cần tính tới với việc xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế ở vùng ven. Muốn vậy, TP HCM phải để hạ tầng giao thông đi trước một bước nhằm kết nối khu vực nội thành với ngoại thành, từ đó mới có thể giãn sự tập trung dân số ở khu vực trung tâm. TP HCM cần nhanh chóng xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, đường trên cao, đường sắt đô thị, phát triển mạnh giao thông công cộng. Cùng với đó là đồng bộ triển khai nhiều công trình, dự án giao thông nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn; thực hiện phân luồng, tuyến hợp lý hơn để giảm ùn tắc.
Quy hoạch đô thị vệ tinh cần tính toán theo đúng Luật Quy hoạch mới vì hiện nay chúng ta mới quy hoạch chung, còn những quy hoạch cụ thể hay những quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội thì cần rà soát lại. Đồng thời, cần có kế hoạch của TP để phát triển các đô thị vệ tinh căn cứ vào điều kiện thực tiễn.
Quan trọng nhất là cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các đô thị vệ tinh. Trong đó, tập trung vào đầu tư ngân sách, hướng ra đô thị vệ tinh, tập trung vào vốn "mồi" để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư cả về hạ tầng kỹ thuật xã hội, giao thông kết nối tại các đô thị vệ tinh. Đẩy mạnh di dời các trường học, trụ sở, cơ quan ra theo quy hoạch. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho sự phát triển các đô thị vệ tinh, chính quyền, doanh nghiệp và tại khu vực đó. Cần có mô hình riêng quản lý các đô thị vệ tinh vì hiện nay đang áp dụng mô hình chính quyền chung cho nội - ngoại thành.
Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển của TP HCM, cần phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, trong đó các khu vực giáp ranh TP HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… sẽ là mục tiêu trọng tâm của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân này.
Hấp dẫn cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế
Ngay sau Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 29-8-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của người dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước" được triển khai, ngày 24-9, Báo Người Lao Ðộng đã phát động cuộc thi với chủ đề "Lắng nghe người dân hiến kế". Cuộc thi nhằm tiếp nhận những ý kiến có thể triển khai trong thực tế để đăng, phát trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Ðộng.
Nội dung tác phẩm dự thi là những hiến kế gần gũi với đời sống, phục vụ tốt cho cộng đồng và sự phát triển của TP cũng như cả nước; những hiến kế về việc xây dựng, sửa chữa, quy hoạch đô thị, giao thông, cầu đường, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, khởi nghiệp... Tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào.
Ðối tượng tham gia là người lao động trên cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài; chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân... Các tác phẩm dự thi được tính từ ngày 24-9 đến hết ngày 31-12-2019. Bài dự thi gửi về: Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM hoặc qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn, (vui lòng để lại thông tin liên hệ (số điện thoại). Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) được công bố và trao vào quý I/2020.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)