Nhiều năm là CSGT, tôi luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nguyên nhân kẹt xe do xe máy hay ôtô?
Ðừng đổ cho xe máy hay ôtô
Còn nhớ 3 thập kỷ trước, ở TP HCM sở hữu chiếc xe 2 bánh sản xuất từ Thái Lan, Nhật Bản gần như là một giấc mơ. Chiếc xe máy thời điểm ấy quả thật không phải là phương tiện mà là gia tài. Bởi khi đó có những người lao động cả đời cũng không dám mơ tới. Lẽ đương nhiên, đường sá khi đó thông thoáng, đi đâu xa người dân đều xài phương tiện công cộng. Ðể rồi càng về sau, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá và đến nay, việc mua chiếc xe máy nằm trong tầm tay mọi nhà. Người dân ồ ạt bỏ phương tiện công cộng sử dụng xe máy. Và chuyện sắm ôtô cũng theo "quy trình" như xe máy. Bằng chứng là theo thống kê mới nhất, trung bình mỗi ngày, lượng ôtô đăng ký mới tại TP đạt con số trên dưới 100 chiếc, xe 2 bánh 1.000 chiếc.
Vậy mặt đường có chạy theo tốc độ tăng của xe máy và ôtô không? Xin thưa là có nhưng không thể kịp. Minh chứng cho việc này thể hiện rõ nhất ở cầu Kênh Tẻ (nối khu Nam Sài Gòn và trung tâm TP). Ba năm liên tục, ùn tắc phương tiện luôn xảy ra ở khu vực cầu Kênh Tẻ. Trước thực trạng trên, vừa qua, mặt cầu được mở rộng thêm với kỳ vọng giảm kẹt xe nhưng thực tế thì kẹt vẫn hoàn kẹt. Ðiều này đồng nghĩa với cuộc chạy đua giữa gia tăng phương tiện và mở rộng đường sẽ không có hồi kết. Thực tế trên đã khiến rất nhiều người, trong đó có tôi, mỗi ngày phải chấp nhận đối mặt với ùn tắc, giành nhau từng vị trí trống để đi lại.
Những ngày đi lại bằng xe hai bánh trên những con đường một chiều ở trung tâm TP, tôi nhìn về phía tay trái rồi hằn học: "Ôtô nhiều quá. Chiếm cả hai phần mặt đường. Cần phải cấm ôtô vào nội thành mới may ra hết tắc đường". Rồi đến lúc ngồi trên ôtô, tôi nhìn ra cửa kính lắc đầu ngao ngán: "Sao xe máy chạy loạn xạ, phóng lên vỉa hè, chen nhau từng chút một trong cái nắng nóng, khói bụi. Phải cấm xe máy để giảm phương tiện cá nhân…"!
Chính khi chúng ta chọn một phương tiện đi lại nào đó lại đổ lỗi cho phương tiện khác. Vậy thì tôi nghĩ kẹt xe, ùn tắc chẳng phải do ôtô hay xe máy mà là do ý thức con người. Tôi khá bất ngờ khi thấy một tấm ảnh đăng tải trên mạng, chụp giờ cao điểm ở Ðài Loan với đường sá đông đúc nhưng không hề xảy ra cảnh chen lấn, lộn xộn nên đường dù đông nhưng không tắc. Tôi kết luận: Tắc đường là do con người chẳng phải do phương tiện. Thực tế chứng minh ở những ngã ba, ngã tư vào giờ cao điểm nếu có CSGT, hầu như không xảy ra kẹt nhưng khi không có màu áo các anh thì lập tức xe cộ giành đường gây ách tắc trầm trọng. Ðiều này, đồng nghĩa với việc phải tăng cường tối đa lực lượng điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và xử thật nghiêm những hành vi vi phạm luật giao thông.
Ðường Trường Sơn, đoạn trước sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM), thường xuyên trong tình trạng xe cộ lưu thông hỗn loạn gây ùn ứẢnh: GIA MINH
Ðiều chỉnh mặt đường theo khung giờ cao điểm
Ngoài đề xuất trên, theo tôi, TP HCM cần linh hoạt trong việc phân làn, phân luồng trong giờ cao điểm.
Buổi sáng, các bạn hãy thử đi trên con đường Cách Mạng Tháng Tám, hướng từ trung tâm TP ra ngoại thành sẽ cảm nhận được sự thông thoáng. Có thể nói, hướng đi này vừa chạy vừa có thể ngắm cảnh làm… thơ! Trong khi ở chiều ngược lại, dòng người chen nhau vã mồ hôi để tranh đến kịp nơi làm, trường học. Thực trạng này không những xảy ra một nơi mà ở hầu hết các tuyến đường vào khung giờ cao điểm. Giải pháp ở đây là phải sử dụng các dải phân cách di động để phân luồng như vậy sẽ hết cảnh bên ùn tắc, bên "neo đơn".
Giải pháp trên được áp dụng khá phổ biến ở Mỹ. Quốc gia này sử dụng dải phân cách di động và vận hành bởi chiếc xe chuyên dụng có tên Road Zipper. Ðây là cách tiết kiệm chi phí khi ngân sách hạn hẹp, chi phí đền bù giải tỏa cao khi phải mở rộng đường.
Kế đến, buổi sáng các bạn lưu thông trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) sẽ thấy tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám, lực lượng CSGT sẽ đóng làn chiều từ trung tâm TP ra ngoại thành để biến cây cầu từ hai chiều thành một chiều nhằm hạn chế kẹt xe. Giờ cao điểm buổi tối thì làm theo hướng ngược lại. Như vậy có thể điều tiết được trật tự đi lại theo mật độ phương tiện. Giải pháp này cần nhân rộng ra toàn TP vì cái lợi đã thấy rõ.
Giải nhất hiến kế: 50 triệu đồng
Ngay sau Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 29-8-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của người dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước" được triển khai, ngày 24-9, Báo Người Lao Ðộng đã phát động cuộc thi với chủ đề "Lắng nghe người dân hiến kế". Cuộc thi nhằm tiếp nhận những ý kiến có thể triển khai trong thực tế để đăng tải trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Ðộng.
Nội dung tác phẩm dự thi là những hiến kế gần gũi với đời sống, phục vụ tốt cho cộng đồng và sự phát triển của TP cũng như cả nước; những hiến kế về việc xây dựng, sửa chữa, quy hoạch đô thị, giao thông, cầu đường, cải cách hành chính, giáo dục, y tế, khởi nghiệp... Tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào.
Ðối tượng tham gia là người lao động trên cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài; chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân... Các tác phẩm dự thi được tính từ ngày 24-9 đến hết ngày 31-12-2019. Các tác phẩm dự thi gửi về: Báo Người Lao Động - 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM. Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng) được công bố và trao vào tháng 1-2020.
Từ ý kiến hiến kế đầu tiên được khởi đăng, đến nay, Báo Người Lao Ðộng đã đăng tải gần 20 tác phẩm của các chuyên gia trên các lĩnh vực giao thông, đô thị, kinh tế, y tế, cải cách hành chính... Ngoài ra, Báo Người Lao Ðộng cũng nhận 15 bài viết, 1 clip, 3 ý kiến hiến kế do bạn đọc gửi đến qua địa chỉ mail bandoc@nld.com.vn.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)