TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Cùng với quá trình phát triển, nhiều KCX-KCN được hình thành và phát triển, thu hút hàng triệu lao động từ các địa phương khác đến làm việc tại thành phố.
Nhiệm vụ quan trọng
Theo số liệu thống kê chính thức, TP HCM hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân đang làm việc có nhu cầu nhà ở. Trong số này có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2/phòng, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng/tháng với 4 người cùng ở. Thông thường, công nhân dành 10%-15% thu nhập để chi trả chỗ ở.
Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng TP cho biết trong giai đoạn 2016-2021, các chỉ tiêu về nhà ở đều đạt như diện tích nhà ở bình quân đầu người; diện tích nhà ở tăng thêm; nhà thương mại, nhà riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình.
TP HCM là nơi thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác đến làm việc. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Riêng chỉ tiêu về nhà ở xã hội là không đạt, chỉ mới thực hiện được hơn 69%. Năm 2021 không phát triển thêm được diện tích nhà ở xã hội. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,67 ha, hơn 1 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ. Trong đó 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô 366 căn, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp (DN) với quy mô 13.870 căn, 1 dự án vừa sử dụng ngân sách vừa sử dụng vốn DN với quy mô 718 căn. Trong giai đoạn này vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 4%, vốn DN chiếm 96%. Cũng trong giai đoạn trên, thành phố đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân, một con số rất nhỏ bé so với nhu cầu thực tế.
Vì vậy, việc xây dựng một mô hình nhà ở xã hội phù hợp cho công nhân nhằm nâng cao mức sống, bảo đảm các điều kiện tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cơ bản là cần thiết và là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cần cơ chế hợp lý
Trước hết, việc DN xây dựng khu lưu trú cho công nhân ở KCN cần được ưu đãi tiền thuê đất, vốn vay giống như dự án nhà ở xã hội. Xác định rõ khu lưu trú công nhân là nhà ở xã hội thì DN cũng sẽ có động lực đầu tư. Từ góc nhìn của DN sản xuất, nhiều chủ DN đều cho rằng thực tế việc đầu tư vào nhà ở cho công nhân mang lại nhiều cái lợi cho nhiều bên. Chỉ cần được tháo gỡ khó khăn thì mục tiêu xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng theo phương châm nhà lưu trú cho công nhân có diện tích nhỏ nhưng chất lượng không thấp hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều chúng ta phải thực hiện triệt để là xác định rõ điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân: Trường hợp là cá nhân có nhu cầu thuê nhà ở phải có hợp đồng lao động và xác nhận của DN sản xuất trong KCN. Trường hợp là DN phải có hợp đồng thuê mặt bằng KCN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; có hợp đồng thuê, sử dụng lao động đúng đối tượng. Trường hợp không thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân mà thụ hưởng chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp thì phải bảo đảm các quy định về điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp theo luật định.
Về đối tượng có thể thực hiện phát triển nhà lưu trú cho công nhân: DN kinh doanh hạ tầng KCN hoặc DN sản xuất trong KCN hoặc DN có chức năng kinh doanh nhà ở bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN.
Thành phố phải quy hoạch, dành quỹ đất diện tích của các KCN trong danh mục các KCN trên địa bàn để xây dựng nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. Ưu tiên bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các DN trong KCN đó.
Mô hình nhà lưu trú sẽ giống như mô hình ký túc xá cho sinh viên hay mô hình nhà ở xã hội được thuê với giá ưu đãi, tiền điện nước tự trả theo giá quy định của nhà nước.
Bình luận (0)