Xây dựng nhà ở xã hội ở TP HCM được xem là vấn đề tiên quyết để bảo đảm an sinh, tạo đà thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thế nhưng, nhìn nhận khách quan sau nhiều năm, thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Có nhiều nguyên nhân
Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, TP HCM chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, chưa được trao quyền toàn diện việc xây dựng nhà ở xã hội theo nhịp độ tăng tốc quá nhanh về dân số cơ học... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội, tình trạng bất động sản dành cho người thu nhập thấp khan hiếm.
Thực tế cho thấy trên thị trường hiện các dự án có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Đó là còn chưa nói một vấn đề đang tồn tại, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách là nhiều người mua nhà giá rẻ phải chi nhiều tiền hơn, phải trả mức giá cao hơn nhưng chất lượng nhà cũng chỉ ở mức bình dân. Điều này xảy ra do lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân, vừa túi tiền thì nay đã có mức giá thuộc phân khúc trung cấp, vượt quá khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, TP HCM vẫn chưa giải quyết được bài toán "đói" vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016- 2020 đạt mức thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu) trong cả nước. Thực tế thì TP HCM chỉ chiếm chưa tới 1/3 con số trên, trong khi nhu cầu vốn cần gấp nhiều lần con số đó. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí hoặc vẫn đang "tắc" ở đâu đó.
Hơn nữa, dù Luật Nhà ở đã có quy định về thực hiện tiết kiệm nhà ở tại Ngân hàng Chính sách nhưng thực hiện quy định này chưa hiệu quả, cần sửa đổi để mở rộng thêm vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, phải đa dạng nguồn vốn cho nhà ở xã hội bằng cách lập quỹ tiết kiệm nhà ở... có thể thí điểm trước khi nhân rộng.
Nhà nước cần phải can thiệp sâu hơn vào các hoạt động đầu tư bất động sản (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thay đổi quan điểm và cách tiếp cận chính sách
Để giải bài toán "đói" vốn cho TP HCM thì cần sự kết hợp một cách quyết liệt và sát sao của nhiều bộ, cơ quan ban ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội.
Nhìn lại gói vay 30.000 tỉ đồng đã kết thúc từ năm 2016 mới thấy giá trị của sự hỗ trợ này của nhà nước. Mặc dù điều khoản cho vay khá chặt chẽ, chưa mở rộng với các đối tượng mua nhà nhưng gói 30.000 tỉ đồng rất thành công, giúp số lượng lớn người dân có thu nhập thấp và công nhân lao động được tiếp cận nhà ở. Trong bối cảnh giá đất ngày càng tăng, chi phí đầu vào cũng tăng, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều cần có sự hỗ trợ về vốn từ phía nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai những gói tương tự với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Bên cạnh đó, nếu tương lai có những chương trình tín dụng ưu đãi cho người mua nhà lần đầu tiên vay thì sẽ có nhiều người hơn có cơ hội an cư lạc nghiệp.
Nhu cầu vốn để thực hiện các chương trình nhà ở rất lớn, trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn, đòi hỏi cần có sự quan tâm vào cuộc của hệ thống tổ chức chính trị, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh vốn hỗ trợ của nhà nước, còn huy động nhiều nguồn vốn khác, ví như đang có thiết chế Công đoàn xây dựng nhà ở công nhân ở một số khu công nghiệp.
Thành phố cần thay đổi quan điểm và cách tiếp cận chính sách. Thứ nhất, cần tập trung nguồn lực còn rất hạn chế vào giúp những người thiếu nhà ở trong nội đô và công nhân các khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội với giá rẻ. Hai là, thành phố tạo điều kiện cho thị trường phát triển nhà ở phổ cập và giúp đỡ hộ thu nhập thấp có đủ khả năng chi trả để mua loại nhà ở này một cách bền vững.
Ngăn chặn nạn đầu cơ
Đã đến lúc nhà nước cần phải can thiệp sâu hơn vào các hoạt động đầu tư bất động sản, bằng cách hạn chế các dự án bất động sản cao cấp, ưu tiên đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Ngoài việc tăng nguồn cung để ổn định giá bán nhà ở xã hội, nhà nước cũng cần phải mạnh tay ngăn chặn nạn đầu cơ nhà bằng cách tăng thuế sở hữu nhà.
Bình luận (0)