Tai nạn giao thông là một trong những vấn đề nóng lâu nay. Giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông đã có rất nhiều, trong đó việc tổ chức học - thi để đầu ra có chất lượng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Khó đậu, khó gây tai nạn
Để giấy phép lái xe (GPLX), nhất là ôtô, có chất lượng tốt, nên bỏ thi trắc nghiệm. Thay vào đó, lập một hội đồng quốc gia về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Hội đồng này có nhân sự của cả 3 ngành: Công an, Giao thông - Vận tải và Giáo dục - Đào tạo, được quy tụ bởi những người có đức, có tâm, có tầm, có tài, am hiểu luật pháp và tâm sinh lý con người (nếu cần thiết mời cả người dân, tài xế), tổ chức biên soạn sách giáo khoa, giáo án, ra đề thi, chấm thi (có thể 1- 3 tháng thi 1 lần).
Đề thi bám sát sách giáo khoa, phải có phần tự luận, tính toán nhưng không đánh đố mà đặt nặng học hiểu sáng tạo, làm sao hạn chế được kiểu học vẹt, trả lời đoán bừa. Cách làm này sẽ có nhiều cái khó và cả phức tạp: khó tổ chức thi, khó ra đề, khó chấm thi, khó đậu nhưng khó gây tai nạn. Cho nên, vì sự an toàn của xã hội, khó khăn phức tạp đến đâu cũng phải làm.
Về tiêu chuẩn đủ điều kiện học và thi: những người trong độ tuổi quy định, có đầy đủ sức khỏe, không tiền án, tiền sự, có CCCD/CMND... Để việc học đi vào thực chất, phải xem lý thuyết và thực hành đều quan trọng.
Trong đó, lấy phần thực hành tay lái làm trọng tâm bởi tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến kỹ năng điều khiển phương tiện. Phải tăng thời lượng thực hành nhiều hơn để kỹ năng này đạt đến trình độ thật điêu luyện trước khi điều khiển phương tiện ra đường.
Việc tăng 300 câu lên 600 câu, bắt buộc người học phải có bằng cấp văn hóa, phải có chứng chỉ tốt nghiệp của một cơ sở đào tạo... là cách làm khó người học, người thi chứ không nâng cao được chất lượng GPLX.
Về tổ chức dạy - thi, phần lý thuyết là đề thi quốc gia do một hội đồng soạn thảo cho mỗi kỳ thi. Nội dung đề thi lý thuyết bắt buộc phải có phần tính toán, tự luận nên sẽ không còn đất cho học tủ, đoán mò... Đề phải khơi gợi được sự sáng tạo, nhạy bén của người thi. Vì vậy, cách "sản xuất" đề thi là không đơn giản nên những người làm ra sản phẩm đặc biệt này ngoài những yêu cầu về chuyên môn thì phải có thực tài.
Về phần thực hành, cần chọn một quả đồi có địa hình gần giống với thực tế, đường sá cua rẽ lên xuống có cao thấp, chướng ngại vật... liên tục được thay đổi cho mỗi thí sinh. GPLX để ở cuối cùng của đoạn đường thi, vượt qua được là lấy luôn, không phải chờ đợi.
Thi như vậy không dễ đậu nhưng chắc chắn GPLX sẽ chất lượng hơn rất nhiều. Bởi lẽ, đề thi lý thuyết có yêu cầu cao là học phải hiểu và nắm được nội dung, mục đích của chương trình đào tạo.
Phần thi thực hành phải rất nghiêm túc, chặt chẽ để khi ra đường, người có GPLX sẽ điều khiển phương tiện một cách an toàn ngay. Hiện nay, người học lái ôtô ở trường lớp ra còn rất lóng ngóng, phải bổ túc luyện tập nhiều mới gọi là chạy xe được.
Thí sinh thi sát hạch lý thuyết tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi (TP HCM)Ảnh: Thu Hồng
Số hóa quản lý GPLX
Thời gian qua, nhiều trường hợp sử dụng GPLX không đúng quy định để điều khiển phương tiện như: GPLX giả, hết hạn, báo mất để làm 2 - 3 GPLX... tiềm ẩn nguy cơ TNGT, gây khó khăn cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông và nhiều hệ lụy khác.
Hiện nay đã có thẻ ATM, CCCD gắn chíp, giao dịch tiền tệ cũng được số hóa cùng nhiều lĩnh vực quản lý xã hội khác, đang tỏ ra rất hiệu quả. Vì vậy, việc quản lý nhà nước về GPLX cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Khi GPLX gắn chíp, chỉ bằng cái nhấp chuột là có thể biết được hiện trạng GPLX như thế nào, không thể gian dối. Tài xế chỉ cần nhớ số định danh là được (có thể lấy luôn số định danh cá nhân của CCCD cho tất cả lĩnh vực).
Muốn tước quyền sử dụng GPLX cũng chỉ bằng cái nhấp chuột mà không cần phải thu giữ mất công lưu trữ, bảo quản. Khi hết thời hạn "án phạt", cũng chỉ bằng cái nhấp chuột là giải tỏa được GPLX, giống như sim điện thoại, thẻ ATM... được kích hoạt mở khóa nên cũng giảm thiểu sự đi lại tụ tập đông người.
Muốn vậy, phải số hóa toàn bộ GPLX đang lưu hành nhưng cần tổ chức thực hiện chuyển đổi một cách khoa học; tạo được sự dễ dàng thuận lợi, không gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Thực hiện theo kiểu chia nhỏ - cuốn chiếu: bước đầu với những trường hợp cấp mới, tiếp đó là các trường hợp hư hỏng, mất mát, người có nguyện vọng, GPLX trên 30 chỗ, 10 chỗ trở lên, dưới 10 chỗ…; về tận địa phương cơ sở và cả ngoài giờ hành chính.
Tóm lại, đây là việc làm nhằm tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước, tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép bất cứ lợi ích nào vào, mà phải đồng hành tối đa với người dân, trên tinh thần làm gì thì làm nhưng phải tạo được sự an dân.
Với đà số hóa các loại thẻ ATM, CCCD... như hiện nay, nhiều loại giấy tờ khác như: giấy khai sinh, sổ đỏ, đăng ký phương tiện, bằng cấp học vấn, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, GPLX... và rất nhiều thủ tục hành chính cũng đang tiếp bước. Khi đó, người dân không còn lo lắng giữ nhiều loại giấy tờ, cơ quan chức năng cũng không phải bảo quản "hàng núi" giấy tờ...
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)