Theo Quyết định số 150/2004 ngày 9-6-2004 của UBND TP HCM quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP HCM, sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ bờ sông rộng từ 30-50 m (tùy đoạn).
Thế nhưng, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy toàn tuyến sông Sài Gòn đã được phủ kín quy hoạch với 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ khoảng hơn 454 ha. Đặc biệt, trong đó có 76 công trình đã xây dựng ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông, rạch.
Bị lấn chiếm, chia cắt
Gần như toàn bộ đất trong phạm vi hành lang bảo vệ sông Sài Gòn dọc đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền (quận 2) đã thành sở hữu cá nhân được ngăn bởi những bức tường cho các biệt thự. Người dân muốn tiếp cận bờ sông hóng mát, ngắm cảnh cũng khó tìm được khoảng trống.
Đoạn qua trung tâm thành phố (quận 1 và quận 4) đã được di dời một số công trình kiến trúc và các cảng Ba Son, Khánh Hội cũng bị các dự án bất động sản cao cấp chia cắt thành không gian riêng. Đoạn dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dày đặc nhà cao tầng, thậm chí còn san lấp lấn sông làm công viên chủ yếu phục vụ cư dân trong dự án Sài Gòn Pearl. Tất nhiên những người đến ở, hưởng thụ phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để được sở hữu một căn hộ cao cấp hay biệt thự nhưng cũng vì thế mà nơi đây giờ là một trong những khu vực kẹt xe, ngập nước trầm trọng; tầm nhìn bị che khuất; lòng sông bị thu hẹp một đoạn dài làm thắt dòng chảy và gây mất an toàn giao thông thủy, xói lở nhiều chỗ, cảnh quan sông nước đang thẳng đẹp lại bị san lấp lấn ra, đã làm xấu cảnh quan môi trường tự nhiên, chặn dòng thoát nước từ trung tâm TP ra sông Sài Gòn.
Ngoài ra, còn rất nhiều nhà hàng và công trình lấn chiếm sông Sài Gòn. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số dự án được phê duyệt quy hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau, có dự án trước năm 2004, nên chiều rộng hành lang bờ sông không phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, sở cũng thừa nhận tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (các công trình phụ trợ, nhà ở), kinh doanh nhà hàng, quán cà phê... còn phổ biến nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Rất nhiều biệt thự, nhà hàng và công trình lấn chiếm sông Sài Gòn, không gian công cộng trở thành sở hữu riêng Ảnh: Lê Phong
Xử lý ngay, đừng chần chừ!
Quy hoạch các con sông và đất đai theo lợi ích trước mắt cho đầu tư bất động sản từng khiến không ít nước phát triển phải trả giá đắt, sau đó phải chi tiêu rất lớn để sửa sai. Ví dụ, giải quyết ô nhiễm môi trường nước cho 4 con sông lớn ở Hàn Quốc gồm sông Hàn, Lạc Đông, Cẩm Giang, Vinh Sơn đã tiêu tốn hơn 17,2 tỉ USD. Tại TP HCM là bài học đắt giá giải quyết ô nhiễm nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Hành lang bảo vệ sông Sài Gòn phải được xem là đất công, tài sản công, ai chiếm dụng phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Quỹ đất này cần được sử dụng hợp lý, hiệu quả vừa bảo vệ sông và khai thác kinh tế, du lịch, thoát nước, vì lợi ích chung, phục vụ cộng đồng... Đây còn là nguồn lực cần khai thác bền vững, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho đô thị… Nên phát triển theo thứ tự ưu tiên bảo đảm chất lượng nguồn nước, cân bằng môi trường tự nhiên, khu vực tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các phúc lợi chung như làm công viên, hoạt động văn hóa, cảnh quan ven sông… Sau đó, mới tới dự án dành cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Để làm được việc này, phải có động thái quyết liệt. Công trình xây dựng vi phạm đã được xác định, lập biên bản, kết luận và ban hành quyết định cưỡng chế thì phải thực thi ngay. Bên cạnh đó, ngăn chặn những manh nha vi phạm, không tạo tiền lệ xấu, tránh dư luận không tốt, hoài nghi có sự dung túng. Đồng thời, dừng ngay và không cấp thêm các dự án ven sông hay lấn mặt tiền sông làm của riêng. Nếu đã có quy hoạch cục bộ nhưng xét thấy không phục vụ đa số cộng đồng cũng nên điều chỉnh sao cho mỗi người dân đều được hưởng lợi từ dòng sông. Đừng để mặt sông vốn là không gian công cộng từ bao đời lọt vào tay các dự án tư nhân trở thành sở hữu riêng, lợi ích nhóm.
Nên chăng, tổ chức cuộc thi mang tầm quốc tế về thiết kế quy hoạch tổng thể cho hai bên bờ sông Sài Gòn. Mời các chuyên gia uy tín, nhà quản lý có liên quan tham gia phản biện và góp ý trên cơ sở đánh giá các mối quan hệ, tính kết nối về giao thông, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất hai bên bờ sông với đặc thù về cảnh quan, bảo tồn, môi trường tự nhiên, an toàn cho dòng sông, chất lượng nguồn nước. Từ đó, làm rõ các điểm nổi bật về vị trí sử dụng đất từng khu vực. Cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch nghiên cứu để lập điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch, kêu gọi đầu tư.
Cuộc thi hiến kế trao giải vào quý I/2020
Từ ngày 24-9-2019, Báo Người Lao Ðộng phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". Do yêu cầu của bạn đọc và vì số lượng bài hiến kế có chất lượng gửi đến nhiều, vì vậy cuộc thi kéo dài đến hết ngày 22-1 (thay vì 31-12-2019). Việc công bố kết quả sẽ diễn ra vào cuối tháng 2-2020 và trao giải vào đầu tháng 3-2020.
Sẽ có một giải nhất (50 triệu đồng), một giải nhì (30 triệu đồng) và 2 giải ba (mỗi giải 10 triệu đồng).
Tránh lãng phí tài sản công
TP HCM còn nhiều nhà đất, công sở sử dụng sai mục đích. Điển hình, trên địa bàn quận Bình Thạnh có 4 mặt bằng đơn vị thuê đã cải tạo sửa chữa và thay đổi kiến trúc nhưng chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng, có 48 đơn vị còn nợ hơn 4,2 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng, chính quyền địa phương chậm bán đấu giá và thẩm định giá đối với nhà công sản. Không ít nhà đất khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng một phần diện tích là trụ sở làm việc, có một phần diện tích cho thuê, nhiều địa chỉ nhà đất chờ bán đấu giá do UBND quận Bình Thạnh quản lý bị bỏ trống nhiều năm. Ngoài ra, có 270 khu đất có diện tích nhỏ do các phường quản lý nhưng chỉ có 39 khu đất quận đang rà soát đề xuất phương án quản lý, còn lại 231 khu chưa đề xuất.
Nếu các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường phối hợp xác minh thống kê nghiêm chỉnh hẳn còn rất nhiều tài sản công sử dụng sai mục đích.
Đành rằng xử lý khối lượng lớn nhà đất, công sở tại một TP lớn cần thời gian nhất định. Nhưng thực tế đã qua nhiều năm, lãng phí tài sản công cứ tiếp diễn. Nhiều khu đất bỏ hoang trong khi TP tìm đất làm nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, thu nhập thấp; nhà đầu tư "đỏ mắt" tìm đất nơi trung tâm lập dự án xây dựng dẫn đến giá thuê mặt bằng tăng cao, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Biết bao dự án dân sinh cấp thiết nhưng phải tạm ngưng, chưa thể triển khai vì thiếu vốn, khó tìm ra những khu đất có vị trí đắc địa hoán đổi cho nhà đầu tư để lấy cơ sở hạ tầng.
Nếu những vụ án tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc dư luận thì lãng phí tài sản công lại âm thầm nhưng cũng là một dạng thất thoát lớn lại ít bị phát hiện xử lý tới nơi tới chốn. Bởi nó được bao bọc dưới danh nghĩa là trụ sở, chi nhánh và phục vụ các cơ quan công quyền.
Nên chăng rà soát quy trình quản lý, sử dụng nhà đất và công sở thuộc sở hữu nhà nước để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn gắn liền với trách nhiệm cụ thể. Cần phân loại tài sản công, thống nhất quản lý về mặt đầu mối. Chẳng hạn quản lý đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà và công trình là Sở Xây dựng... Khắc phục tình trạng hiện nay ở những quận - huyện có nhiều đơn vị trực thuộc được giao quản lý các khu đất và công sở.
Khi điều tra, kiểm kê xác định được nhà đất, công sở bị chiếm dụng cho thuê, bán không đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích cần kiên quyết thu hồi, kể cả các dự án được giao đất nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để kéo dài hoặc những doanh nghiệp thuê đất nhưng cho bên thứ ba thuê lại để thu lợi. Sau đó tiến hành đấu giá công khai theo quy định để tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác hiệu quả, tránh lãng phí nguồn tài sản công.
Trần Văn Tường
Bình luận (0)