Một thành phố sáng tạo không nhất thiết phải đi theo tiêu chuẩn trên thế giới hay các nước phương Tây mà cần dựa trên bản sắc văn hóa của chính con người TP HCM.
Từ nội lực của mình, tận dụng nguồn lực, sức lực của doanh nghiệp và người dân, từng bước phá vỡ giới hạn, xây dựng một thành phố sáng tạo, mang đậm bản sắc Việt Nam.
Khuyến khích người dân sáng tạo
Yếu tố cần quan tâm đến đầu tiên là người dân. Cần khuyến khích từng người dân suy nghĩ, nêu ra ý tưởng sáng tạo của mình bởi người dân chính là chủ thể của công cuộc đổi mới, sáng tạo, là cội nguồn của sức mạnh.
Một chương trình rộng lớn, khuyến khích tất cả ý tưởng sáng tạo trong tất cả ngành nghề chính là điều cần làm lúc này. Từ một cộng đồng người dân dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện ý tưởng của mình dẫn đến kích cầu, tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
Quan trọng là với mỗi ý tưởng sáng tạo khả thi, cần có nguồn lực tài chính hỗ trợ để biến ý tưởng sáng tạo đó thành hiện thực. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đã có nhưng làm thế nào phải tạo dựng được một quỹ đầu tư cho ý tưởng sáng tạo của người dân, xét trên tính khả thi và tính cộng đồng.
Đó có thể không phải là một ý tưởng kiếm ra nhiều tiền nhưng giúp ích cho sự phát triển về văn hóa - xã hội của TP HCM trong tương lai, nâng tầm hình ảnh thành phố thì cần đầu tư, hỗ trợ để ý tưởng đó thành công.
Cần xây dựng TP HCM thành thành phố sáng tạo và đô thị số xanh để tạo sức bật phát triển Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh đó, xây dựng các cộng đồng sáng tạo vì văn hóa - xã hội, truyền tải thông điệp một thành phố phát triển mạnh mẽ, vượt qua đại dịch nhờ sức mạnh của người dân và các ý tưởng độc đáo.
Lan truyền mạnh mẽ ra thế giới các câu chuyện khởi nghiệp thành công; tổ chức các chương trình kết nối giữa các dự án khả thi, các ý tưởng xã hội - cộng đồng... với các nhà đầu tư có đủ năng lực, sau đó chính những nhà sáng tạo được cấp vốn sẽ có cam kết trở thành sứ giả lan tỏa hình ảnh và sức mạnh của TP HCM ra quốc tế.
Thành phố công nghệ xanh
Nếu môi trường sống của TP HCM vừa kết hợp được không gian sống xanh vừa tích hợp cả công nghệ số thì sẽ tạo động lực rất lớn cho thành phố phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Cần xây dựng lại hệ thống hài hòa giữa làm việc và vui chơi, giải trí. Các tiện ích số trên không gian mạng có gắn với kiến trúc thực tế của thành phố sẽ bổ khuyết cho cuộc sống vốn đã bị hạn chế di chuyển của người dân TP HCM trong đại dịch.
Để làm được điều đó, cần có sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp, nhất là các công ty công nghệ để xây dựng nên app tổng hợp có tính năng hỗ trợ cho cuộc sống, cung cấp các tiện ích...
Một số phần của thành phố ảo song song, tích hợp với thành phố thực tế không những tạo cảm hứng cho người dân với những tiện ích công nghệ số mà còn có tác dụng hướng người dân vận dụng thường xuyên trong các hoạt động lao động sản xuất và cả hoạt động hằng ngày.
Không cần đi ra ngoài cũng có thể biết được không gian mình đang sống thay đổi ra sao, thậm chí có thể tham gia hoạt động cải tạo nơi mình đang sống bằng việc cung cấp thông tin cho ứng dụng để người có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Biến TP HCM trở thành một "thành phố công nghệ xanh", một "đô thị số xanh".
Việc tích hợp phần mềm để lấy ý kiến người dân là việc làm vô cùng cần thiết để tạo dựng một thành phố xanh trên nền tảng số. Dựa vào đó, quy hoạch các diện tích xây dựng hài hòa giữa mạng lưới giao thông với khu dân cư và công viên cây xanh.
Có thể tham khảo mô hình của một số thành phố lớn trên thế giới. Ở đó có 2 cấp độ để xây dựng thành phố xanh. Một là khu vực dân cư, trong đó phải có không gian xanh và thiết lập đường nước thải sinh hoạt sao cho không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Hai là các khu vực như Cần Giờ, Củ Chi nên trở thành các không gian xanh, cung cấp môi trường cho khu trung tâm thành phố. Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giảm bớt việc con người lấn chiếm không gian của môi trường sinh thái.
Để xây dựng được thành phố xanh, bắt buộc phải xây dựng thành phố số. Hai vấn đề tưởng chừng không liên quan nhưng lại quan hệ mật thiết với nhau.
Ứng dụng công nghệ để xây dựng thành phố xanh, song song với kiểm soát hành vi của người dân để không làm hại môi trường là một cách làm hiện đại, đòi hỏi có sự chung tay của người dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền.
Một trong những hình mẫu chúng ta nên học tập kinh nghiệm là Singapore, với diện tích bao phủ cây xanh gần 50% mà vẫn phát triển mạnh về khoa học - công nghệ.
Không chỉ xanh, họ còn chú trọng đến công nghệ sạch, với mục tiêu tiết kiệm tối đa diện tích khiêm tốn của mình. Ngoài tập trung phát triển công nghệ cao, một đặc điểm nổi bật của quốc đảo này còn là ý thức sống xanh và tính đồng bộ trong những chương trình chuyển đổi số trong quản lý.
Đầu tiên, tập trung xây dựng công trình xanh mới, sau đó dốc sức cải tạo, chuyển đổi các công trình đã có để phù hợp tiêu chí xanh cho đồng bộ và tất cả đều được quản lý bằng hệ thống số.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)