Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ tác động bởi đại dịch Covid-19.
Hơn lúc nào hết, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các DN tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Tiềm năng và thách thức
Theo thống kê từ tập đoàn hệ thống công nghệ Mỹ Cisco, quá trình số hóa của các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỉ USD vào GDP năm 2024.
Báo cáo mới đây từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhận thức của DN về công nghệ số thời gian qua rất tốt, có hơn 50% DN đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có dịch Covid-19; hơn 25% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khá nhiều tổ chức e ngại, chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để thay đổi.
Họ không nghĩ đầu tư cho chuyển đổi số là để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN, quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.
Ngoài ra, không ít người cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, bản chất của chuyển đổi số bao gồm môi trường kinh doanh, con người, sau đó là hạ tầng công nghệ.
Chuyển đổi số hiện nay không phải chỉ dành riêng cho các DN lớn mà còn cả các DN vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, người dân cũng trở nên phụ thuộc và dần quen hơn với các công việc trực tuyến, từ mua bán, học tập, làm việc, đến các cuộc họp đều thông qua công nghệ, trực tuyến.
Vì vậy, để duy trì sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, một trong những giải pháp của DN là đầu tư cho chuyển đổi số từ sớm. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ứng dụng AI được Mondelez Kinh Đô triển khai giúp tăng trưởng kinh doanh cho các đối tác bán lẻ (Ảnh: Hoàng Triều)
Lựa chọn sống còn
Trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 90.300 DN rời khỏi thị trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hơn thế nữa, DN vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số DN của Việt Nam nhưng trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80%- 90% máy móc sử dụng trong các DN là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Nhìn vào thực tế có thể thấy chuyển đổi số là một quá trình không dễ dàng với vô vàn thách thức, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai, nếu không có những giải pháp phù hợp.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích về mọi mặt hoạt động của DN: cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên…
Nói cách khác, chuyển đổi số phải là giải pháp quan trọng, mang tính sống còn đối với DN Việt Nam mới có thể để đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Đây chính là cơ hội cho DN nhỏ và vừa có thể phát triển nhanh hơn, nếu như có thể xác định được những lợi ích, chi phí đầu tư và tìm hiểu cách chuyển đổi số bắt đầu từ đâu.
Để tiếp cận chuyển đổi số, ưu tiên hàng đầu của DN là xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của DN.
Khi xây dựng chiến lược, các DN nên cân nhắc ngành nghề mình đang hoạt động, đối thủ cạnh tranh, quy mô, lãnh vực ưu tiên, văn hóa DN, cũng như quyết tâm và sự kiên định của cấp lãnh đạo.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi sang mô hình kinh doanh mới, mà còn là cơ hội để cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quá trình vận hành.
Khi xác lập ưu tiên, cần cân nhắc hai yếu tố chính là tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề.
Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả tối ưu, trước hết DN cần xác định rõ lý do của việc chuyển đổi số và ai sẽ tham gia vào quá trình này.
Cần xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như: Quản trị DN, chiến lược số hóa, văn hóa DN, công nghệ và bảo mật, phân tích dữ liệu và nhân viên kỹ thuật.
Cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu. Ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa DN, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số.
Chuyển đổi từng bước
Chuyển đổi số là một quá trình cần tính đến một kịch bản dài hơi. Nếu chưa thể chuyển đổi toàn diện, DN có thể tìm ra các vấn đề còn hạn chế nhất hiện tại của mình để chuyển đổi từng bước cho phù hợp nhất, bắt đầu số hóa từ những vấn đề đơn giản nhất, như kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng, thống nhất quản trị giữa các khối phòng ban…
Bình luận (0)