Vai trò của hoạt động đổi mới sáng tạo chính là để giải quyết mục tiêu nâng cao năng suất doanh nghiệp (DN), còn việc xây dựng mô hình DN dẫn dắt chính là mục tiêu của hoạt động khởi nghiệp. Vậy nên, cần nhìn nhận bản chất của hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là 2 chương trình hành động để giải quyết bài toán cơ cấu nền kinh tế, giúp DN nâng cao tính cạnh tranh toàn cầu.
Bước chuyển quan trọng
Điều thú vị là TP HCM ban hành chương trình về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trước khi Thủ tướng ban hành Quyết định 844 về việc phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". TP HCM tiếp cận dưới góc nhìn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy kinh tế TP, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết định 4181 của TP về chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo đã tạo ra 2 mảng chương trình dự án là tạo ra nhóm DN dẫn dắt và nâng cao năng suất. Chương trình 4181 khác với những chương trình hỗ trợ DN khác, đó là bộ công cụ sáng tạo, mang những cái mới vào cho DN, có thể đưa vào nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của DN. Đây chính là sự khác biệt giữa TP HCM và các nơi khác.
Thành công lớn nhất của 5 năm vừa qua là với sự ban hành các cơ chế chính sách, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã tạo ra bước chuyển hết sức quan trọng cho 2 lĩnh vực này và đã được cộng đồng toàn cầu ghi nhận. Ngày càng nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp toàn cầu hướng về TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung như một thị trường tiềm năng và tăng trưởng của thị trường này có những năm đến 300%.
TP HCM là điểm kết nối trong nước với thế giới, cửa ngõ tiếp cận với quốc tế Ảnh: TẤN THẠNH
Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 3 của ASEAN về môi trường khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bắt đầu xuất hiện quy trình hoàn hảo từ khởi nghiệp đến IPO, xuất hiện trên sàn chứng khoán quốc tế; xuất hiện hàng chục công ty khởi nghiệp có khả năng gọi vốn hàng trăm triệu USD.
Trào lưu ứng dụng xu hướng kinh doanh mới đã du nhập và thay đổi xu hướng kinh doanh mới của Việt Nam: 52% kinh doanh mỹ phẩm được thực hiện trên nền tảng online; kinh doanh trên hệ sinh thái như Thế Giới Di Động, Tiki... phát triển nhanh; mô hình kinh doanh theo chuỗi và nhượng quyền đã phát triển mạnh mẽ. Xu hướng định vị DN theo hướng thương mại tài chính và sáng tạo đang gia tăng, giảm dần xu hướng thi công hoặc thuần sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thời gian qua, các cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mang tính phong trào ngày càng suy giảm; số lượng DN khởi nghiệp thất bại ngày càng tăng; nhóm các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trung gian và nhiều mô hình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp ngày càng mất dần vai trò.
Cần giải pháp đồng bộ
Hoạt động khởi nghiệp tương đối mới mẻ ở Việt Nam, chúng ta thiếu hệ thống các chuyên gia làm chính sách khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thiếu mô hình tương đương để nghiên cứu học tập. Đặc biệt, trong bối cảnh vấn đề giáo dục sáng tạo và kinh doanh ở cấp phổ thông, câu chuyện cơ chế phát triển thị trường khoa học công nghệ chưa hoàn hảo, các tổ chức trung gian của thị trường tài chính chưa nhiều...
Việc vội vã tham khảo một mô hình quốc tế hoặc lấy hoạt động của một vườn ươm quốc tế nào đó biến thành chương trình hành động trong nước khó đạt hiệu quả như mong muốn bởi lẽ để phát triển, cần sự phát triển đồng bộ của hệ sinh thái. Các phương pháp đo lường về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TP HCM lẫn Việt Nam cho thấy còn rất yếu ở mục giáo dục về sáng tạo và kinh doanh trong hệ thống phổ thông; yếu về hạ tầng, chức năng khởi nghiệp trong hệ thống đại học; thiếu bệ phóng của các ngành công nghiệp công nghệ cao trong khi hệ thống các tổ chức trung gian tài chính còn mỏng... Đối tượng chính tham gia vào hoạt động khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu và DN tập đoàn chưa xuất hiện hoặc ít xuất hiện, vai trò dẫn dắt của các DN, tập đoàn lớn đến hệ sinh thái chưa rõ ràng. Do vậy, chất lượng của các dự án khởi nghiệp chưa thể cao.
Dù vậy, cần nhìn nhận những nốt trầm như trên phù hợp với quy luật tự nhiên: lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chịu tác động mạnh của thị trường nên những dự án thiếu tính thị trường thì khó tồn tại, còn những dự án tồn tại - phát triển được thì rất khỏe mạnh. Với bức tranh như thế thì dễ dàng nhận ra cần giải pháp đồng bộ với rất nhiều thành phần tham gia.
Trước tiên phải giải quyết bài toán giáo dục phổ thông và thúc đẩy vai trò tham gia của hệ thống đại học với tư cách không chỉ là nơi thúc đẩy các ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu mà phải là nơi trang bị tâm thế khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.
Trong thời gian qua, hoạt động giai đoạn 1 của định hướng phát triển thị trường khoa học công nghệ đã hoàn tất, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn và biến thị trường này thành thị trường cung cấp hàng hóa phục vụ DN, ứng dụng kết quả sản phẩm từ nghiên cứu để đưa vào phục vụ đổi mới sáng tạo. Song song đó, phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và giải pháp tài chính để phát triển hạ tầng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần hệ thống cơ sở vật chất và tạo ra môi trường để giảm đà các cá nhân, nhóm khởi nghiệp sau một thời gian phát triển chạy về Singapore cũng như cần có môi trường, hạ tầng để phát triển các sản phẩm thô về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh; Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: Số 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2, gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)