1. Anh Kiều Đăng Phú làm tài xế cho Chi nhánh Công ty TNHH Vận tải hỗn hợp Việt Nhật số 1 (tại quận 2, TP HCM) từ năm 2004 với mức lương hơn 5,9 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình anh.
Tháng 4-2014, công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Sau khi có kết quả khám sức khỏe, đại diện công ty đã mời riêng anh Phú đến làm việc và buộc anh phải lựa chọn một trong hai phương án. Một, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Hai, công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh vì lý do anh dương tính với morphin.
Quá bất ngờ, anh Phú phân trần rằng mình không hề sử dụng ma túy, việc cho kết quả dương tính với morphin có thể do trước đó có sử dụng loại thuốc để điều trị bệnh suy hô hấp cấp. Những lời thanh minh của anh Phú không được công ty chấp nhận, anh phải chọn phương án thứ 2 và đại diện công ty khuyên anh đi kiểm tra lại sức khỏe, nếu cho kết quả âm tính thì công ty sẽ xem xét. Thế nhưng, khi có kết quả âm tính với morphin và giải thích của bác sĩ về việc sử dụng loại thuốc để điều trị viêm hô hấp cấp có thể cho kết quả xét nghiệm dương tính với morphin, công ty vẫn không đồng ý.
Anh Phú tìm đến Văn phòng Luật sư Công đoàn để nhờ được giúp đỡ. Nhận được đề nghị của anh Phú, luật sư Nguyễn Thị Anh Đào - Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn - đã đề nghị Báo Người Lao Động cùng tham gia. Phóng viên đã cùng luật sư Đào tư vấn hướng dẫn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho anh Phú. Kết quả, anh được công ty nhận trở lại làm việc. “Là lao động chính, tôi bị mất việc 5 tháng, không có thu nhập nên gia đình rất khó khăn. Nhờ Văn phòng Luật sư Công đoàn và Báo Người Lao Động mà tôi có việc làm để lo cho cả nhà” - anh Phú thổ lộ.
2. Nguyễn Thị Ngọc Yến, công nhân Công ty TNHH Thuận Thiên Phú (quận Bình Tân, TP HCM), kể: Từ tháng 4-2014 đến tháng 7-2014, công ty không trả tiền lương cho người lao động khiến chị gặp nhiều khó khăn. Sau đó, công ty không tìm cách giải quyết tiền lương cho người lao động mà âm thầm chuyển máy móc ra khỏi trụ sở cũ ở quận 12, TP HCM. Biết được thông tin, công nhân đã gửi đơn đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp. Phóng viên đã phối hợp với các cơ quan chức năng quận 12 một mặt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, một mặt đề nghị công ty thanh toán tiền lương cho người lao động. Nhờ vậy, họ đã nhận được tiền lương hơn 170 triệu đồng.
Chị Yến kể: “Sau khi chuyển trụ sở đến địa chỉ mới được một thời gian, công ty mời toàn bộ người lao động cũ về làm việc, trả tiền lương và phúc lợi đầy đủ. Hiện cuộc sống của tôi đã ổn định, người lao động hăng say làm việc, phía công ty cũng không vì khiếu nại trước đây mà đối xử tệ với với chúng tôi”.
3. Hai mươi người lao động là bảo vệ của một công ty ở huyện Củ Chi, TP HCM (vì lý do tế nhị, những người trong cuộc đề nghị không nêu tên - PV) đã rất phấn khởi khi họ được nhận tiền làm thêm giờ của nhiều năm trước với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo hợp đồng lao động, người lao động chỉ làm việc 8 giờ nhưng công ty buộc họ phải trực đến 24 giờ mà không trả tiền làm thêm. Người lao động khiếu nại, công ty không giải quyết.
Vào cuộc tìm hiểu, nhận thấy khiếu nại của người lao động là có cơ sở, phóng viên trực tiếp trao đổi với công ty này. Chúng tôi trưng ra các chứng cứ chứng minh người lao động có làm thêm giờ, công ty đã đồng ý trả tiền cho họ. “Khi bị xâm phạm, người lao động gửi khiếu nại đến công ty cũng như không. Chúng tôi tin tưởng và chuyển hồ sơ nhờ báo can thiệp nên mới đòi lại được quyền lợi. Hiện công ty vẫn duy trì việc trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động, cũng không hề trù dập những người đã khiếu kiện” - một người lao động trong nhóm cho biết.
Bình luận (0)