Chỉ trong nửa đầu tháng 9-2022, có 3 tỉnh Sơn La, Tuyên Quang và Kon Tum gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ xin bổ sung sân bay của tỉnh vào quy hoạch. Trong đó, Sơn La đã có sân bay Nà Sản nhưng muốn xây thêm sân bay Mộc Châu.
Hàng loạt địa phương đề xuất xây sân bay
Trước đó, 7 địa phương khác là Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Đắk Nông, Hà Giang, Bắc Giang và Bình Phước cũng kiến nghị đưa dự án sân bay về địa phương.
Cũng mới đây, UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Lai Châu theo hình thức PPP. Trong khi đó, khu vực phía Tây Bắc hiện cũng đã và đang được phê duyệt, triển khai Cảng Hàng không Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Cảng Hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La). Ở mạn Đông Bắc, tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất xây sân bay Cao Bằng, tỉnh Lào Cai đề xuất xây sân bay Sa Pa.
8 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt gần 22 triệu. (Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU)
Khu vực miền Trung, mạng lưới các sân bay cũng đã dày đặc và theo đánh giá là đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân tại thời điểm này và tầm nhìn đến nhiều năm sau. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn tiếp tục kiến nghị được đầu tư xây dựng sân bay.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch Cảng Hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại các xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên); tỉnh Bình Thuận đề xuất xây dựng sân bay Phan Thiết. Hay như tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt chủ trương đầu tư sân bay tại huyện Gio Linh…
Cần thiết hay chưa?
Trong kiến nghị gửi Chính phủ, các tỉnh đều cho thấy đề xuất của mình là chính đáng nếu nhìn từ góc độ phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể quy hoạch toàn quốc, việc "lạm phát" sân bay sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Việc một số sân bay được quy hoạch đặt quá gần nhau đang dẫn đến nguy cơ vắng khách trong tương lai là điều có thật. Sân bay Quảng Trị đặt ở Đông Hà cách sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ở phía Nam 92 km và cách sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) ở phía Bắc 105 km. Tương tự, sân bay Hải Dương cách sân bay Cát Bi (Hải Phòng) 74 km ở phía Đông và cách sân bay Nội Bài 93 km ở phía Tây. Đó là chưa kể một loạt các sân bay hiện có đều cũng đang đề xuất được nâng cấp, mở rộng, nâng cấp lên sân bay quốc tế như sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An), sân bay Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng)…
Số liệu thống kê sản lượng khách đi máy bay năm 2019 (trước dịch COVID-19) cho thấy cả nước chỉ có 4 sân bay đạt trên 5 triệu khách, gồm: Tân Sơn Nhất (41 triệu), Nội Bài (29 triệu), Đà Nẵng (15,5 triệu), Cam Ranh (9,7 triệu). Một số sân bay có lượng khách qua lại rất khiêm tốn như sân bay quốc tế Vinh, sân bay Phú Bài, sân bay Đồng Hới, sân bay Phú Yên… Vân Đồn - sân bay hình mẫu về việc đầu tư bằng vốn BOT - khi đó chỉ đạt sản lượng 259.000 khách/năm, nằm ở nhóm cuối của danh sách.
Theo một số chuyên gia hàng không, sân bay xây mới mà sản lượng khách dưới 5 triệu lượt/năm thì khó thu hồi được vốn. Những con số nêu trên là tín hiệu cần cảnh báo cho hàng loạt tỉnh, thành đang muốn đầu tư thêm cảng hàng không BOT tại địa phương mình.
Dựa vào các tờ trình của địa phương, xây sân bay để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách… Tuy nhiên, chưa có tờ trình nào nêu được thực trạng cũng như cơ sở khoa học cho thấy thực sự cần thiết xây dựng sân bay, trong bao lâu nhà đầu tư có thể thu hồi vốn…
Trong khi đó, đầu tư xây dựng sân bay thì địa phương phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Bởi nếu không tính toán kỹ có thể khiến sân bay chỉ mãi là quy hoạch, chậm triển khai, đội vốn kéo theo đó là nhiều diện tích đất bị thu hồi, bỏ hoang hóa gây lãng phí nguồn lực.
Xây dựng quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước, đưa ra những định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu sử dụng… là việc cần thực hiện từ bây giờ. Với mỗi sân bay, cần phải có nghiên cứu đầy đủ về quy mô, năng suất. Việc nghiên cứu, tính toán này phải dựa trên cơ sở thực tiễn chứ không thể cứ đề xuất xây dựng với những con số rất đẹp nhưng lại khá mơ hồ, sau đó doanh nghiệp dùng lý do này để được sử dụng hàng trăm hécta đất vào mục đích khác.
Bình luận (0)