Từ ngày 23 đến 26-8, tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp xuất hiện các “hố tử thần” do sụt lún đất. Người dân hoảng loạn phải tháo chạy ra khỏi nhà.
Di dời khẩn cấp
Tại TP Cẩm Phả, sáng 21-8, ở tổ 3, khu Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn xuất hiện 5 “hố tử thần” ở sát đường đi và khu dân cư, mỗi hố rộng hơn 10 m, sâu khoảng 6 m. Tiếp đó, khoảng 1 giờ ngày 26-8, tại tổ 30, khu Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông tiếp tục sụt lún đất thành hố rộng có đường kính hơn 7 m, sâu 3 m. Chiều cùng ngày, tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, một “hố tử thần” rất lớn đã xuất hiện có đường kính khoảng 7-8 m, sâu hơn 10 m “nuốt gọn” toàn bộ phần sân của một ngôi nhà…
Trước hiện tượng sụt lún không có dấu hiệu suy giảm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho di dời khẩn cấp 17 hộ dân sống gần khu vực sụt lún tại khu Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông.
Trong nỗ lực lấp “hố tử thần”, trong ngày 28-8, UBND huyện Thanh Ba đã cho chở hàng chục chuyến xe tải lớn đá hộc lấp đầy miệng hố. Nhưng chỉ được đến trưa, toàn bộ số đất đá mới trút xuống lại tiếp tục bị sụt xuống.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết sẽ đưa thiết bị siêu âm một số khu vực đã xảy ra sụt lún. Trong ngày 27-8, các chuyên gia của Công ty Công nghệ địa vật lý (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dùng radar khảo sát lòng đất tại những nơi sụt lún để đánh giá thực trạng địa chất của các khu vực này. Theo các chuyên gia địa vật lý, các khu vực lún sụt thuộc vùng lấn biển, lâu ngày hình thành các khoảng rỗng trong tầng đất đá yếu. Dưới tác động của nước dưới lòng đất, các khoảng rỗng này phát triển lớn dần và tạo thành các hố sụt.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Thọ, nhiều người dân trong khu vực sụt lún cũng đang hoảng loạn tháo chạy khỏi nhà để bảo toàn tính mạng. Trước thông tin việc sụt lún đất có nguyên nhân do hoạt động khai thác đá, ông Thiều Vinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ, thừa nhận việc nổ mìn khai thác đá ở mỏ đá của Công ty Khai thác đá Sông Thao có gây ra chấn động nhưng không đủ lớn để tạo ra tai biến địa chất, làm hình thành “hố tử thần”. Dù vậy, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn đề nghị công ty này hỗ trợ các hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Có tác động của con người
Theo một cán bộ Tổng cục Địa chất khoáng sản, có 2 dạng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún: Thứ nhất là do hang rỗng trong lòng đất, kế tiếp là do mực nước ngầm bị khai thác quá mức. Còn cụ thể từng vùng thì phải khảo sát riêng mới biết được.
Từ cuối năm 2012, đã có dự án điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng điều kiện địa chất và cảnh báo tai biến địa chất ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Theo đó, kết quả điều tra đã khẳng định hiện tượng sụt, lún và nứt đất ở một số khu vực của huyện này có nguyên nhân chủ yếu là do tai biến địa chất. Trong đó, nguyên nhân chính là do yếu tố tự nhiên bởi sự tồn tại của các hang hốc trong đá vôi là loại đá dễ bị hòa tan, bào mòn và sự tồn tại của lớp đất bở rời ngay trên bề mặt đá vôi. Yếu tố tác động của con người cũng có phần gây ra các hố tử thần.
Một cán bộ Tổng cục Địa chất Khoáng sản cho rằng hiện nay, công tác điều tra cơ bản thiếu những đầu tư cụ thể, chỉ làm theo quy hoạch tức là điều tra cuốn chiếu theo lộ trình, không có kinh phí đầu tư rà soát, đánh giá đột xuất. Phải kiểm tra, rà soát mới xác định được nguyên nhân vì mỗi vùng có địa chất khác nhau nên nguyên nhân gây sụt lún cũng khác nhau.
Có thể phát hiện sớm Ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), nhận định: Trước đây, tại đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) cũng có “hố tử thần” mà nguyên nhân là do quá trình thi công làm trôi cát ở dưới, tạo thành khoảng rỗng. Tùy trường hợp cụ thể mà xác định các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của trung tâm, trước khi xảy ra sụt lún thì sẽ xuất hiện những vết nứt hoặc vết lún trong một thời gian dài. Nếu kịp thời phát hiện những dấu hiệu này thì sẽ cảnh báo sớm cho cơ quan có trách nhiệm để tìm phương án xử lý. |
Bình luận (0)