Đặc biệt, với phát biểu của đại diện cơ quan này khi cho rằng đây chỉ là "sự việc đáng tiếc giữa 2 cá nhân, không gây hậu quả nghiêm trọng" và yêu cầu những người liên quan "cùng rút kinh nghiệm sâu sắc", càng làm dư luận lo ngại vụ việc có nguy cơ "chìm xuồng".
Một người có hành vi hành hung, xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác đã khó chấp nhận. Một lãnh đạo sở mà lại có hành động phản cảm, côn đồ, hung hãn thì càng không thể bỏ qua. Bởi vì hình ảnh, hành động của người lãnh đạo có sức lan tỏa rất lớn, là tấm gương để cấp dưới, người dân soi vào. Nếu đó là tấm gương tốt sẽ góp phần tăng sức giáo dục, thuyết phục đối với quần chúng nhân dân. Khi đó, người dân sẽ tin tưởng hơn vào chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Ngược lại, nhất định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, cư xử của người dân.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên". Theo đó, cán bộ, đảng viên phải phát huy tính tự giác, trách nhiệm nêu gương trong xây dựng, giữ gìn lối sống văn hóa, lành mạnh. Đồng thời, tăng cường kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ để bảo vệ, giữ gìn hình ảnh cán bộ, đảng viên.
Vụ việc này, nếu dung túng, bao che hoặc bỏ qua sẽ vô tình cổ vũ cho các hành động phản cảm, vi phạm pháp luật về sau, có thể dẫn đến tình trạng "nhờn luật", coi thường pháp luật, kỷ luật, kỷ cương của một số cán bộ có chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, việc hành hung nhân viên dưới quyền không xứng cả về tầm và đức để lãnh đạo, điều hành một ngành cấp tỉnh.
Bình luận (0)