Xung đột, mâu thuẫn hiện nay xảy ra trong nhiều mối quan hệ khác nhau, có thể đó là mối quan hệ trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Nguyên nhân dẫn đến rất đa dạng, đó có thể là vấn đề tiền bạc, tranh chấp đất đai, va chạm giao thông ngoài đường, trong giao tiếp, trên cộng đồng mạng…
Cách lựa chọn xử sự khi đứng trước các mâu thuẫn sẽ tùy thuộc những yếu tố như nhận thức, trình độ văn hóa của mỗi người. Trong đó, nhận thức và trình độ văn hóa không đơn thuần là trình độ học vấn mà là sự kết hợp giữa trình độ học vấn và sự giáo dục trong môi trường gia đình khi họ còn nhỏ và môi trường sống từ xã hội khi trưởng thành.
Kết hợp giáo dục và pháp luật
Hiện nay, ngay cả trẻ em, cứ lên mạng là dễ dàng tìm thấy phim, video bạo lực; những thông tin tiêu cực như cướp, giết, cố ý gây thương tích… Xem nhiều thông tin tiêu cực trong khi hệ giá trị tôn trọng tuyệt đối về sức khỏe, tính mạng người khác, hệ giá trị tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau không được củng cố là điều vô cùng nguy hiểm.
Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là phải thay đổi giáo dục. Thay vì giáo dục những kiến thức xa rời thực tế từ bậc mầm non đến phổ thông thì tập trung giáo dục đạo đức con người.
Đối với những người không còn ở độ tuổi đi học hoặc sớm lăn lộn ngoài xã hội, có thói quen dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, để thay đổi tính cách, cách hành xử cho đúng chuẩn mực xã hội là vấn đề rất khó.
Phải kết hợp giáo dục với pháp luật để nghiêm trị. Hình phạt không phải là công cụ duy nhất nhưng nó là công cụ hữu hiệu để giáo dục, trừng trị người vi phạm và phòng ngừa cho xã hội.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, quản lý, các đoàn thể địa phương phải cho thấy được hiệu quả trong giáo dục, quản lý thanh thiếu niên ở địa phương. Bởi hằng năm, ngân sách nhà nước chi rất nhiều cho những tổ chức này hoạt động. Củng cố vai trò của đoàn thể ngay chính tại địa phương là vô cùng quan trọng.
Một điều cần lưu ý nữa là chúng ta hiện thiếu cơ chế bảo đảm lợi ích của những người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như cha mẹ ly hôn, cha mẹ đang chấp hành án.
Xác suất những đứa trẻ đó đi vào con đường phạm tội, hành xử bạo lực rất cao nhưng hiện chúng ta chưa có cơ sở nào đứng ra bảo trợ để bảo đảm những đứa trẻ này được sống tốt, được đến trường. Cho nên nếu xét nguyên nhân và giải pháp vấn đề này, đó là sự đầu tư hết sức nghiêm túc, chứ không phải một sớm một chiều.
Do mâu thuẫn, ngày 14-12-2021, hai nhóm thanh niên ở Thanh Hóa đã lao vào hỗn chiến, đâm chém nhau loạn xạ khiến hai người thương vongẢnh: Tuấn Minh
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của địa phương
Trước mắt, tăng cường kiểm soát từ phía cơ quan công an và các đoàn thể, chính quyền cơ sở - chủ thể phòng ngừa tội phạm tại địa phương. Muốn vậy, phải nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của lực lượng này, tăng cường nguồn kinh phí và sẵn sàng loại bỏ những chủ thể hoạt động không hiệu quả.
Thông qua các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm được triển khai, nhân rộng tại các cơ sở giáo dục, địa phương, công an các cấp hướng dẫn phụ huynh, giáo viên kỹ năng nhận biết dấu hiệu người chưa thành niên vi phạm pháp luật để theo dõi, giáo dục.
Tăng cường công tác tuần tra bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó tập trung xử lý nghiêm đối tượng tụ tập uống rượu bia, cờ bạc, chạy xe tốc độ cao, đua xe trái phép… nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Khi có thông tin xảy ra các vụ nhóm, đối tượng đánh nhau, gây rối trật tự công cộng..., phải khẩn trương phân công lực lượng đến hiện trường xác minh, thu thập chứng cứ và xác định đầy đủ số đối tượng vi phạm để giáo dục, xử lý nghiêm theo quy định.
Các tổ chức, đoàn thể phải có những hoạt động xã hội thiết thực, gần gũi và thường xuyên để lôi kéo thanh niên vào những hoạt động lành mạnh. Song song đó, địa phương phải làm tốt công tác hòa giải cơ sở.
Như một số vụ việc dùng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn trong thời gian qua tại một số địa phương là mâu thuẫn âm ỉ bao nhiêu năm nhưng không được địa phương quan tâm hòa giải từ đầu.
Sau nhiều vụ thanh thiếu niên tụ tập để hỗn chiến cho thấy tuổi trẻ hiện nay do dễ có điều kiện tiếp xúc các loại game, phim, ảnh có xu hướng bạo lực nên rất manh động; bên cạnh đó, việc mua các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ qua mạng rất dễ dàng, đa dạng, phổ biến càng tạo cơ hội phạm tội. Đã có hàng trăm vụ án, vụ gây rối trật tự xuất phát từ mạng xã hội.
Do đó, việc phát hiện và ngăn ngừa từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong hạn chế tội phạm. Các cơ quan văn hóa, an ninh mạng cần tăng cường hơn nữa công tác nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, kiểm duyệt chặt chẽ, phạt nặng những kênh YouTube phát clip bạo lực.
Bình luận (0)