Sáng 25-7, chiếc xe 4 chỗ hiệu Nissan đời 1992 cũ kỹ, BKS 77B-0225 đậu chễm chệ trên vỉa hè khu vực ngã tư Mai Xuân Thưởng - Tôn Đức Thắng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Theo người dân ở đây, chiếc xe này dù mang biển số xanh của cơ quan nhà nước nhưng thực tế do một người dân sử dụng từ khá lâu. Xe thường xuyên đậu trên vỉa hè nhưng chưa khi nào thấy lực lượng chức năng xử lý về hành vi vi phạm này.
Muốn được ưu ái (?!)
Qua tìm hiểu, chiếc xe biển số xanh trên đã được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Định (trước đây là Đảng ủy Dân - Chính - Đảng tỉnh Bình Định) thanh lý cho một cá nhân ở địa phương từ hơn 5 năm trước. Tuy nhiên sau đó, người mua xe không sang tên, giữ nguyên biển số xanh để sử dụng.
Chiếc xe này không phải là trường hợp duy nhất ở tỉnh Bình Định. Thời gian qua, người dân TP Quy Nhơn dễ dàng bắt gặp những ô tô biển số xanh “đời cổ” nhan nhản trên đường. Trong số này, không ít chiếc đang được người nhà của cựu lãnh đạo cơ quan nhà nước (thời điểm thanh lý) sử dụng.
Theo Sở Tài chính tỉnh Bình Định, hiện có khoảng 100 ô tô đã được các cơ quan nhà nước trên địa bàn thanh lý từ lâu nhưng không sang tên chủ sở hữu theo quy định. Trong đó, phần lớn các ô tô trên là xe du lịch từ 4-7 chỗ, đời từ năm 1983-1996, được thanh lý với giá từ 70-120 triệu đồng/chiếc. Điển hình như các xe mang BKS: 77B-0225, 77B-0018, 77B-0071, 77B-0179, 77B-0407...
Lý giải về việc không sang tên đổi chủ theo quy định, anh Ng.V.T (ngụ TP Quy Nhơn) - người đang sử dụng một ô tô 4 chỗ biển số xanh, mua thanh lý của cơ quan nhà nước - thừa nhận ngoài việc do xe cũ, giá trị thấp nên lười sang tên đổi chủ thì còn có lý do trong quá trình sử dụng, xe mang biển số xanh thường được lực lượng chức năng ưu ái hơn khi xảy ra vi phạm.
Cơ quan thanh lý phải chịu trách nhiệm
Ông Phạm Đại Lâm - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy, bộ tỉnh Bình Định - cho biết theo quy định trước đây, khi đưa xe đến kiểm định, chủ sở hữu là cơ quan nhà nước phải có giấy giới thiệu cho người điều khiển xe đi kiểm định. Thế nhưng, mấy năm gần đây, quy định này đã được bỏ, người đưa xe đi kiểm định chỉ cần mang theo giấy đăng ký xe và bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, cơ quan kiểm định không thể nào biết được chiếc xe biển số xanh đó đã được thanh lý hay chưa.
Theo thượng tá Võ Văn Chín, Phó phụ trách Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bình Định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển xe theo quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng xe do cơ quan nhà nước thanh lý nhưng người mua không chịu sang tên. “Lỗi này không chỉ ở bên mua mà còn có cả cơ quan thanh lý” - ông Chín nói.
Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ các cơ quan sau khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để tiếp tục theo dõi quản lý.
“Khi lực lượng CSGT kiểm tra, lái xe đưa đầy đủ giấy tờ của cơ quan chủ quản nên cán bộ làm nhiệm vụ không thể biết đó là xe của cơ quan nhà nước đang sử dụng hay đã thanh lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để nắm danh sách xe biển số xanh trên địa bàn đã thanh lý nhưng không sang tên theo quy định. Sau đó, gửi văn bản thông báo đến các cơ quan đang đứng tên chủ sở hữu xe yêu cầu phải xúc tiến việc sang tên, đồng thời có hình thức xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định” - thượng tá Chín nhấn mạnh.
Theo quy định của pháp luật, sau khi chuyển nhượng, chủ xe không thông báo thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó.
Bình luận (0)