Vỉa hè đường Thành Thái (quận 10 - TPHCM) bị lấn chiếm, người dân phải đi bộ dưới lòng đường. Ảnh: TẤN THẠNH
Đầu năm 2012, UBND TPHCM tổ chức cho 24 quận, huyện và 7 sở, ngành ký cam kết kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Để thực hiện, mỗi đơn vị phải đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường từ 5 - 10 tuyến đường.
Sau khi các đơn vị ký cam kết, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh nếu không hoàn thành cam kết, lãnh đạo từng đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Ít “điểm sáng”
Thống kê cho thấy các quận, huyện đăng ký tổng cộng 159 tuyến đường lập lại trật tự lòng lề đường. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, cho biết bên cạnh một số tuyến đường có chuyển biến tốt, vẫn còn nhiều tuyến đường nhếch nhác, vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán, để xe gây mất trật tự.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một trong những tuyến đường thông thoáng nhất tại quận 8 là đường Tùng Thiện Vương, đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến chợ Xóm Củi (phường 12, quận 8). Tại đây, người dân không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, để xe mà chỉ sử dụng đúng phần lề đường đã được kẻ vạch.
Anh Nguyễn Minh Đức (chủ đại lý vé số trên đường Tùng Thiện Vương, phường 12, quận 8) cho biết: “Lúc trước để thuận tiện cho việc buôn bán, tôi cũng như nhiều hộ dân thường để xe lấn ra khỏi vạch. Sau khi lực lượng thanh tra đô thị nhắc nhở, người dân đều tuân thủ theo chủ trương.
Tôi thấy việc này cũng đúng thôi, nếu người đi đường muốn mua bán, giao dịch thì họ có thể dắt xe lên lề và vào cửa hàng. Việc dừng xe, đậu xe bừa bãi không những nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến người đi đường!”.
Tương tự, 5 tuyến đường trên địa bàn quận Thủ Đức đăng ký lập lại trật tự lòng lề đường được thực hiện khá nghiêm túc. Ở đường Võ Văn Ngân, các cửa hàng quần áo, điện thoại đều dựng xe máy đúng vạch. Trước đây, hàng rong thường tràn xuống đường ngay cổng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nhưng hiện tại, tình trạng này ít xảy ra. Tương tự, những hộ buôn bán trên đường Đặng Văn Bi cũng chỉ sử dụng phần lề đường được cho phép.
Tại quận 1, một số tuyến đường thường xuyên bị chiếm dụng vỉa hè trước đây như Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Cách Mạng Tháng Tám nay đã thông thoáng hơn. Các hộ kinh doanh chỉ sử dụng phần lề đường cho phép, rất ít trường hợp lấn ra phần vỉa hè dành cho người đi bộ.
Nhiều “điểm tối”
Trái với đường Tùng Thiện Vương, lề đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8) bị lực lượng hàng rong vây bủa, chiếm dụng để buôn bán, kéo dài từ chân cầu Nguyễn Văn Cừ đến cầu Kinh Xáng. Một số hộ kinh doanh xe máy, sửa xe còn để cả xe xuống lề đường. Về đêm, tuyến đường này trở thành “thiên đường” của hàng chục quán nhậu, quán gà nướng, hải sản.
Tương tự, vỉa hè đường Thành Thái (đoạn từ Tô Hiến Thành đến Bắc Hải, quận 10), hoàn toàn bị các quán nhậu hải sản chiếm làm của riêng. Vỉa hè đoạn đường này rất rộng nhưng không còn một chỗ trống vì bị bàn ghế của các quán hải sản “bày binh bố trận” chiếm sạch. Người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường.
Trong bản cam kết của quận 5, tuyến đường Nguyễn Trãi (từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Tri Phương) sẽ không còn cảnh buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong quý III và quý IV/2012. Tuy nhiên, những gì ghi nhận được tối 20-11 cho thấy tình trạng nhếch nhác trên đường Nguyễn Trãi. Từ giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi, “đội quân” hàng rong bắt đầu lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để buôn bán.
Chỉ một đoạn đường dài 30 m, chúng tôi đếm được khoảng 30 gian hàng bày bán đủ thứ, từ mũ bảo hiểm, nón, trang sức, giày dép đến quần áo, bóp, dây nịt, khăn choàng. Đông đúc và bừa bãi nhất là khu vực trước cổng Trường Đại học Sài Gòn. Chẳng những vỉa hè bị chiếm trọn mà lòng đường cũng bị khoảng 30 “cây hàng di động” xếp san sát nhau chiếm dụng.
Khu vực gần Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng ở trong tình trạng tương tự. Tại khu vực trước Trường Tiểu học Bàu Sen và chợ Bàu Sen, vỉa hè đã bị chiếm hết nên xe máy được dựng ngay dưới lòng đường.
Quận Bình Thạnh cam kết bảo đảm trật tự vỉa hè, lòng đường trên 4 tuyến đường Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng và Nơ Trang Long. Tuy nhiên, hiện 4 tuyến đường này vẫn nườm nượp kẻ mua người bán. Taxi thì đậu nhởn nhơ không đúng nơi quy định. Bề bộn nhất trên đường Điện Biên Phủ là đoạn qua Trường Đại học Công nghệ Kỹ thuật TPHCM.
Vào giờ cao điểm, những người bán dạo, taxi chiếm dụng cả lòng đường khiến việc lưu thông trở nên khó khăn. Đường Nơ Trang Long, đoạn từ Phan Đăng Lưu đến Lê Quang Định, thường xuyên xảy ra kẹt xe, va chạm giao thông. Trước cửa Bệnh viện Ung bướu, đội ngũ xe ôm và những người bán hàng trên xe đẩy hoạt động cả ngày lẫn đêm. Người dân sống ở đây cho biết sau khi lực lượng đô thị kiểm tra xong và rời khỏi khu vực này thì đâu lại vào đó.
Phải làm cho tới
Trong các cuộc họp về trật tự an toàn giao thông, trật tự lòng lề đường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín luôn yêu cầu các quận, huyện đánh giá kết quả thực hiện bản cam kết một cách cụ thể thông qua các chỉ tiêu đã đăng ký. “Các quận phải báo cáo tuyến đường nào đã làm được, tuyến đường nào chưa làm được và vì sao chưa làm được để tìm hướng giải quyết, không thể nói chung chung được. Các quận, huyện không cần đăng ký nhiều, chỉ cần chọn một tuyến đường cũng được nhưng phải làm cho tới” - ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu. |
Bình luận (0)