"Mỗi lần sử dụng, chúng tôi lại nhớ đến nghĩa tình của đồng bào" - câu nói đầy xúc cảm của ông Ngô Thanh Bình (Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) khi đại diện địa phương nhận những chiếc xuồng máy cứu hộ mới, được mua từ nguồn kinh phí bạn đọc trong và ngoài nước đóng góp qua chương trình "Trái tim miền Trung" do Báo Người Lao Động khởi xướng.
“ATM thực phẩm miễn phí” do Báo Người Lao Động thực hiện ngay những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Cứu trợ cho bà con bị kẹt lũ ở Huế vào tháng 10-2020 Ảnh: Trần Thế Phong
Đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi những cơn bão liên tiếp nhấn chìm nhiều nơi ở miền Trung nhưng chương trình vẫn tiếp tục bởi vẫn còn lắm nhà hảo tâm tìm đến báo.
"Trái tim miền Trung" không phải là chương trình xã hội - từ thiện đầu tiên mà Báo Người Lao Động tổ chức dài hơn dự kiến. Giữa tháng 4-2020, 2 tuần sau khi bắt đầu "cách ly toàn xã hội" vì xuất hiện chùm ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở nhiều nơi, thiệt hại do đại dịch hiển hiện rõ nhất trên sự khốn cùng của nhiều người nghèo.
Trong những ngày đầu tiên vận hành "ATM thực phẩm miễn phí", khi đong bịch gạo 1 kg và một vỉ trứng vào khay ATM, chúng tôi đã hy vọng sẽ đủ gạo để tặng người nghèo ít nhất mươi ngày, một tuần. Đơn giản bởi chúng tôi đã nghĩ: các doanh nghiệp đang khó khăn, người lao động thì mất việc, phải "thắt lưng buộc bụng", họ còn lòng dạ nào để lo cho người khác? Nhưng rồi...
Vì những lý do hết sức tự nhiên, thuần hậu, có thể nói là đáng yêu như: "Công ty tôi đóng cửa rồi, tôi có thời gian nên đi làm từ thiện", "Ừ thì "nghèo" đi thật vì quán tôi không được bán, nhưng có nghèo thêm một chút mà bớt thấy người ta thiếu ăn, tôi cũng vui", "Giàu mà thấy người ta khổ bỏ mặc thì trời không cho mình giàu hoài", "Cô giáo con dạy "Lá lành đùm lá rách" nên con đập heo, chắc mấy cô bác thích ăn món này"... Những nhà hảo tâm đã biến trụ sở Báo Người Lao Động thành kho thực phẩm dã chiến, đủ để trao tặng phần quà gấp đôi ban đầu đến hết mùa cách ly, đủ cho cả một chương trình "Hậu ATM thực phẩm" đến với hàng loạt trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, người già, người tàn tật ở TP HCM và ở tận TP Hà Nội.
Những cơn bão, lũ hung dữ cuối năm đã làm một vài tỉnh, rồi lan ra nhiều tỉnh của miền Trung ngập trong biển nước, nhiều nơi sạt lở, nhà tốc mái. Chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động ra đời và không ngừng nhận được sự ủng hộ. Ngoài các khoản tiền lớn lên đến hàng tỉ hay vài trăm triệu đồng từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, chúng tôi còn nhận được vô số khoản tiền nhỏ hơn, có khi là một số lẻ đầy ý nghĩa.
Ngày 19-11, Báo Người Lao Động đăng tải chùm ảnh đáng yêu về những học sinh tiểu học ở Trà Leng (tỉnh Quảng Nam) cười tươi như hoa khi được tặng những đôi ủng cao su mới màu xanh, đỏ đẹp mắt. Cũng trong ngày đó, một bản tin khác đưa hình những em bé tiểu học Trường Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) ngồi nghiêm túc trên bàn tiếp khách ở trụ sở Báo Người Lao Động. Một cháu bé lớp 2 đại diện bày tỏ mong muốn của mình và các bạn khi "đập heo đất" rằng các bạn miền Trung có thể sớm quay lại trường với đầy đủ sách vở.
Những suy nghĩ đáng yêu tương tự cũng là điều chúng tôi được nghe từ miệng các cháu tình nguyện viên nhỏ tuổi những ngày vận hành ATM thực phẩm. "Con sợ đói lắm. Nên con không muốn các ông bà phải đói", "Cô giáo con dạy "Người trong một nước phải thương nhau cùng" nên con tới đây ạ"...
Nếu như những gì cha mẹ, thầy cô dạy là những hạt mầm của lòng tốt thì chính những ngày tháng khó khăn chung có lẽ đã thành cơn mưa giúp những hạt mầm ấy nảy nở.
Bình luận (0)