Em Phạm Song Toàn chuyển trường!
Trẻ em trung thực phải ra đi, được lý luận là để bảo vệ em khỏi áp lực ở ngôi trường cũ. Vậy, xin nói thẳng: Đó là cách tốt nhất để giữ môi trường áp lực được như cũ.
Chúng ta gọi đức tính trung thực của Toàn là hạt giống. Khi bạn phải đưa hạt giống đi chỗ khác thì câu hỏi là: Liệu có lý do gì để cần mảnh đất kia tồn tại nữa không? Hẳn là người gieo trồng không cần đất đó nữa, chấm dứt sứ mạng của nó là có logic.
Đó là lựa chọn tuyệt vọng!
Giải cứu hạt giống, không đem lại sự thay đổi tích cực nào cho mảnh đất bỏ đi. Đó là cách sai để giải bài toán.
Hàng ngàn năm trước, người canh tác biết rằng, giải cứu môi trường mới là giải pháp tốt hơn.
Em Toàn đã lớn lên trong môi trường này một thời gian, cùng với lòng trung thực cũng lớn lên theo. Phải nói thẳng: mảnh đất đó hẳn đã có những dưỡng chất tốt, chứ không phải hoàn toàn xấu.
Khi em đi, những cái tốt này trở thành như thế nào? Đó là một câu hỏi nữa để được giải cứu. Rốt ráo và bộc lộ không thỏa hiệp.
Sự trung thực ra đi, những cái tốt lơ lửng phải hạ cánh (cái xấu đã rõ, không phải bàn nữa).
Vậy, mấy ngày qua, ông Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã nói chương trình dạy giáo viên đã thiếu môn "đạo đức", nhà trường đã không chú trọng "dạy người", là hướng tiếp cận "giải cứu" môi trường, thay vì giải cứu học sinh trung thực.
Ngoài "chương trình dạy giáo viên", theo quan điểm cải tạo môi trường, tin chắc ông Bộ trưởng đã thấy nhiều "chất" khác nữa trong mảnh đất này.
Ông Bộ trưởng cũng nói về xây dựng quy tắc ứng xử học đường. Đó cũng là cách tiếp cận giải cứu môi trường tầm vĩ mô, cho hàng vạn ngôi trường.
Sự ra đi của lòng trung thực của một trẻ em là một thất bại của học đường hay là một cơ hội để giải cứu môi trường? Câu trả lời tùy vào lựa chọn của các nhà quản lý học đường và sự lựa chọn của cha mẹ học sinh.
Dù lựa chọn thế nào, nói thẳng, trường học là thiết chế mà xã hội phát minh ra với sứ mệnh là giải pháp thay vì là vấn đề.
Xã hội kỳ vọng nhà trường tạo ra lòng trung thực - điều kiện đảm bảo xã hội gắn kết được; nếu không, trường học ra đời để làm gì?
Lòng trung thực không cần được giải cứu mà trái lại, lòng trung thực có tác dụng giải cứu.
Bình luận (0)