Không những kể lại câu chuyện, em học sinh này còn bật khóc ngay tại hội trường vì ấm ức. Em này cho biết, trong lớp có một giáo viên bộ môn khi lên bục giảng nhưng hầu như không giảng dạy gì. "Cô không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài"- em này phát biểu. Học sinh này cũng cho biết hơn một học kỳ nay, cả lớp em phải tự học, tự làm bài và không biết nói với ai cả. Không biết vì lý do gì, cô này khá quyền lực, mọi người đều sợ, các thầy cô giáo khác và học sinh đều sợ. Nữ sinh này cũng bày tỏ mong muốn được dạy dỗ bình thường như những học sinh khác.
Nữ sinh bật khóc tại buổi đối thoại
Tại buổi đối thoại, nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề phát triển văn thể mỹ, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh trung học. Học sinh Nguyễn Tấn Đức (trường THPT Võ Văn Kiệt) mong muốn thầy cô quan tâm hơn, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích khi hiện nay có tình trạng nhiều bạn bè cùng trang lứa đang mắc hội chứng lười vận động, chìm đắm trong mạng xã hội.
Nhiều ý kiến của học sinh cũng mong muốn sở có một bộ sách giáo khoa, nhưng bớt tính hàn lâm. Song song với những kiến thức về lý thuyết còn có những kiến thức thực hành. Hiện nay việc rèn luyện đức, trí, thể, mỹ có những nội dung gần giống nhau. Trong khi đó học sinh chưa nắm bắt được những vấn đề xảy ra trong xã hội nên không có kỹ năng thích ứng.
Học sinh đề xuất nhiều ý kiến với lãnh đạo ngành GD-ĐT
Học sinh Nguyễn Tố Uyên Vy, học sinh THPT Võ Trường Toản cho rằng hiện nay việc giáo dục đạo đức giữa nhà trường và gia đình khác nhau. Ở gia đình ba mẹ giáo dục chúng em với cách nuông chiều, không cho chúng em làm nặng, đi chơi xa. Trong khi đó nhà trường khuyến khích chúng em nên tham gia các hoạt động.
Học sinh Nguyễn Hữu Phương, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi hiện nay việc học quá nặng, chúng em phải giành hết thời gian cho việc học, nên sẽ không có thời gian để dành cho hoạt động khác. Vì vậy mong muốn chương trình học đặc biệt là bộ SGK mà TP HCM biên soạn sắp tới sẽ giảm tải.
Trước ý kiến về giáo viên lên lớp chỉ im lặng viết bài lên bảng, ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết Sở sẽ tìm hiểu và giải quyết.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT TP HCM cho hay, lãnh đạo hiểu được tâm tư nguyện vọng của các em nhưng sự thay đổi này cần phải sự chung tay của các cấp, các chính quyền. Theo ông Tân, hiện nay mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh sẽ được lưu tâm. Có những lúc thầy cô nôn nóng, cha mẹ cũng nôn nóng mong các em đạt được kiến thức ở các kỳ thi nên không có thời gian, nhưng các thầy cô sẽ phải dành thời gian suy nghĩ về việc này.
"Thầy cô hiện nay đã vượt qua sự ràng buộc của mình để dạy dỗ cho các em, Nhưng để có sự hài hòa thì cần sự cố gắng của cả hai bên. Những vấn đề lớn hơn chúng tôi sẽ tham mưu cho sở. Đừng nghĩ là thầy cô chỉ quan tâm tới học sinh tiêu biểu, chúng tôi luôn quan tâm tới tất cả các em, tới hoạt động của các em"- ông Tân nói.
Nói về mong muốn của học sinh về bộ sách giáo khoa, Ông Lê Hồng Sơn cho rằng chương trình SGK là do Bộ GD-ĐT quyết định vì hiện nay vẫn còn kỳ thi chung, nhưng đến năm 2019, học sinh sẽ được học với bộ SGK được giảm tải. Ông Sơn cũng cho rằng, thông thường cha mẹ luôn muốn con mình học giỏi và ngoan. Nhưng sẽ rất nặng nếu con mình vừa học giỏi, vừa ngoan nhưng các em hãy cố gắng.
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu được Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức hàng năm, nhằm lắng nghe những chia sẻ của học sinh cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác giáo dục. Năm nay, có 110 học sinh THCS và THPT tham gia cuộc gặp gỡ.
Bình luận (0)