Trong đơn gửi Báo Người Lao Động mới đây, ông Triệu Hoài Phong (ngụ quận 12, TP HCM) kêu cứu về việc nhà của ông bị người khác đem đi thế chấp. Hiện căn nhà bị ngân hàng kê biên, phát mãi.
Tráo giấy tờ
Ông Triệu Hoài Phong kể đầu năm 2019, ông treo biển "Bán nhà" trước cửa nhà, đất số 243 Trường Chinh (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM; số cũ 132/1A Trường Chinh).
Đến khoảng 9 giờ ngày 16-7-2019, ông Phong nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hỏi: "Vì sao nhà, đất đang thế chấp cho ngân hàng lại rao bán?". Người này còn cho biết ông và vợ là Võ Chế Quyên không phải người đang đứng tên trên giấy chứng nhận nhà, đất số 243 Trường Chinh. Nhà, đất đã chuyển nhượng cho người khác và người này đã thế chấp cho SCB để vay tiền.
Do người vay tiền không có khả năng trả nợ nên SCB đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam. Ngày 29-12-2021, Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam đã ra phán quyết buộc người vay phải trả nợ gốc lẫn lãi hơn 2,3 tỉ đồng, nếu không sẽ phát mãi căn nhà. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã tổ chức thi hành án.
"Tôi không hề chuyển nhượng nhà, đất cho bất kỳ ai. Có thể trong quá trình xem nhà, đất, các đối tượng đã tráo giấy chứng nhận, làm giả chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn, rồi lập hợp đồng ủy quyền mua, bán chuyển nhượng; sau đó đem thế chấp ngân hàng để vay tiền, rồi bỏ trốn. Đề nghị phía ngân hàng thẩm định lại hồ sơ vay tiền, cơ quan thi hành án hoãn thi hành án" - ông Triệu Hoài Phong nói.
Do các đối tượng thực hiện hành vi mua bán ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) nên ông Phong đã kiện vụ án ra TAND huyện Đức Huệ yêu cầu tuyên bố hợp đồng ủy quyền mua, bán chuyển nhượng vô hiệu. Hiện TAND huyện Đức Huệ đã thụ lý vụ án.
Liên quan đến việc này, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An đã ban hành kết luận giám định cho biết: Chữ ký, dấu vân tay mang tên "Triệu Hoài Phong" và "Võ Chế Quyên" ở mục "Bên A" (bên ủy quyền) tại hợp đồng ủy quyền mua, bán chuyển nhượng không phải là chữ ký và dấu vân tay của ông Triệu Hoài Phong và bà Võ Chế Quyên.
Ông Triệu Hoài Phong trình bày vụ việc tại Báo Người Lao Động
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Theo SCB, ngân hàng đã yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP HCM thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài thương mại tài chính Ngân hàng Việt Nam. Cục Thi hành án dân sự TP HCM cho hay theo quy định của pháp luật, vụ việc của ông Phong không thuộc trường hợp hoãn thi hành án.
Đọc hồ sơ của ông Triệu Hoài Phong, luật sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay 2 kết luận giám định chữ ký, dấu vân tay của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An cho thấy người ký tên bên ủy quyền (bên A) hợp đồng ủy quyền không phải là ông Triệu Hoài Phong và bà Võ Chế Quyên, hợp đồng ủy quyền nêu trên không phải do ông Triệu Hoài Phong và bà Võ Chế Quyên ký.
Theo quy định pháp luật thì hợp đồng trên không có hiệu lực pháp luật. Hành vi giả danh ông Triệu Hoài Phong và bà Võ Chế Quyên ủy quyền cho người khác, dùng ủy quyền để ký chuyển nhượng và sau đó tài sản được thế chấp tại ngân hàng là có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, trong vụ việc trên còn có dấu hiệu của tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" khi mà cá nhân trên có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn của ông Triệu Hoài Phong và bà Võ Chế Quyên.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 16-12-2019, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tuy nhiên, hiện không thể liên lạc với một số đối tượng liên quan, thậm chí những đối tượng này còn có dấu hiệu bỏ trốn. Điều này khiến cho việc giải quyết vụ án trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến rất nhiều người nhưng vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được giải quyết một cách triệt để.
Bình luận (0)