xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lừa đảo người lao động nghèo: Dẹp mãi không xong!

Sỹ Đông - Cao Hường

Các doanh nghiệp lừa đảo người lao động nghèo mọc lên hằng hà sa số từ bao năm qua nhưng các cơ quan chức năng chẳng có biện pháp xử lý hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Xem, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận 12, TP HCM, cho biết các công ty lừa đảo việc làm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh trong số ra ngày 25-8, tập trung chủ yếu ở khu vực ngã tư An Sương thuộc các phường Tân Thới Nhất, Tân Hưng Thuận và Trung Mỹ Tây (quận 12).

Đủ kiểu trốn tránh

Theo ông Nguyễn Văn Xem, những doanh nghiệp (DN) này thường không đăng ký ngành nghề giới thiệu việc làm mà đăng ký là loại hình DN vận chuyển hàng hóa. Khi người lao động gửi đơn khiếu nại, Phòng LĐ-TB-XH quận 12 tổ chức hòa giải nhưng hầu như DN không đến dự. Do hòa giải không thành nên phòng hướng dẫn người lao động kiện ra tòa. Những DN này thay đổi địa chỉ và tên đăng ký kinh doanh liên tục, khi cán bộ phụ trách xuống thực tế thì DN đóng cửa nên không kiểm tra được.

Thời gian qua, Phòng LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND quận 12 chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh dấu hiệu lừa đảo của các DN mà người lao động phản ánh để xử lý triệt để. Qua tìm hiểu, các DN này ký hợp đồng khoán việc với người lao động để thu tiền bảo hộ lao động. Khi đến các kho bãi làm việc, người lao động bị thu thêm tiền làm thẻ ra vào. “Chúng tôi đang phối hợp với các phường tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh tình hình. Người lao động có nhu cầu tìm việc có thể liên hệ phòng LĐ-TB-XH để được hướng dẫn đến các DN uy tín, tránh lâm vào tình trạng bị lừa đảo” - ông Xem lưu ý.

 

Những lao động nghèo bị lừa tiền bốc xếp tại Khu Công nghiệp Sóng Thần Ảnh: SỸ ĐÔNG
Những lao động nghèo bị lừa tiền bốc xếp tại Khu Công nghiệp Sóng Thần Ảnh: SỸ ĐÔNG

 

Đề cập vấn nạn này, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 - cho biết phường cũng “đau đầu” về tình trạng tranh chấp giữa người lao động với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động bốc xếp trên địa bàn. “Hầu hết người lao động đến khiếu nại đều không còn hợp đồng đã ký với họ nên việc kiểm tra hành chính gặp khó khăn” - ông Trung trần tình.

Ông Trung chỉ rõ những chiêu trò mà DN “né” cơ quan chức năng. Phổ biến là tình trạng ở một địa chỉ nhưng thay đổi liên tục tên DN và người đăng ký kinh doanh. Hiện phường đang phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH, LĐLĐ quận 12 để kiểm tra toàn bộ các cơ sở giới thiệu việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng đang tìm biện pháp xử lý rốt ráo các công ty quảng cáo nội dung tuyển dụng lao động không đúng với thực tế.

Quản lý lỏng lẻo

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP HCM, nhận định dịch vụ việc làm (DVVL) là hoạt động kinh doanh có điều kiện với nhiều ràng buộc rất khắt khe. Chỉ những đơn vị nào có tư cách pháp nhân và đủ tiềm lực mới có thể làm được.

Theo kết quả thanh tra tại một số cơ sở kinh doanh DVVL trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, phần lớn cơ sở được thanh tra không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Các cơ sở chui này chỉ có vài cái bàn, treo bảng tuyển dụng là hoạt động. Đồng thời, chủ nhân của nó cũng không có tư cách pháp nhân nên khi thanh tra xong, lực lượng thanh tra lao động không thể xử phạt. Nếu có xử phạt thì khả năng thu hồi tiền cho người lao động cũng rất khó.

Theo ông Dũng, sở dĩ tình trạng các cơ sở DVVL mọc lên như nấm nhưng không dẹp được một phần do “cung - cầu”. Người lao động thiếu hiểu biết hoặc thấy tiện nên “nhắm mắt đưa chân”. Trong khi đó, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo, các cơ quan, ban ngành liên quan thiếu sự phối hợp để kiểm tra, xử lý.

“Hiện nay tình trạng DVVL chui đã trở thành vấn đề liên quan đến an ninh trật tự chứ không đơn thuần là lao động như trước. Do đó, chỉ thanh tra lao động sẽ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng này mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền các cấp và ngành LĐ-TB-XH” - ông Dũng nhìn nhận.

 

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng qua bài viết “Lừa đảo người lao động nghèo”, việc công ty yêu cầu người lao động phải ký quỹ 322.000 đồng đã vi phạm điều 20 Bộ Luật Lao động 2012. Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động “yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP (ngày 22-8-2013) quy định: những doanh nghiệp có thực hiện hoạt động DVVL mà không có giấy phép hoạt động DVVL do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép hoạt động DVVL hết hạn thì có thể bị phạt tiền từ 45-60 triệu đồng; đồng thời bị buộc nộp lại phí dịch vụ việc làm đã thu của người lao động vào ngân sách nhà nước.

Việc các doanh nghiệp việc làm đăng thông tin tuyển dụng với mức lương cao nhưng khi làm việc chỉ nhận mức lương thấp chính là hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm. Theo quy định tại khoản 2, điều 4 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP thì doanh nghiệp kinh doanh DVVL có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo