Trưa 6-5, khi đi ngang công viên góc đường Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh (quận 10, TP HCM), chúng tôi bắt gặp người đàn ông đứng tiểu bậy vào hàng cây trên đường. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, ông ta bước ra nhăn nhó: "Giờ bí quá, không có nhà vệ sinh thì biết đi ở đâu? Mà đâu phải mình tôi, đầy người ra đó...".
Thản nhiên vi phạm
Đúng như ông ta nói, chúng tôi đứng ở góc đường này vài phút đã thấy 3-4 người ghé lại giải quyết "bầu tâm sự". Có người chui vào sau các lùm cây, cũng có người thản nhiên đứng ngoài đường. Quanh công viên, những bãi nước bẩn bốc mùi nồng nặc.
Chiều cùng ngày, trong lúc chờ xe buýt trên xa lộ Hà Nội (đoạn gần Metro, quận 2, TP HCM), thấy một người đàn ông tiểu bậy phía sau nhà chờ, chúng tôi tiến đến nhắc nhở, nói hành vi này hiện có mức phạt rất nặng. Ngay lập tức, người này lớn tiếng: "Tôi "xả" ngoài đường chứ có làm gì trước nhà ai đâu mà lên tiếng dạy đời"!
Đáng nói là khi nghe chúng tôi nhắc theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi này có thể lên đến 3 triệu đồng, không ít người hồn nhiên: "Hồi nào giờ có thấy ai phạt gì đâu? Mà có quy định xử phạt hả?".
Không chỉ tiểu bậy, nạn xả rác, ném rác ở nơi công cộng cũng xuất hiện khắp nơi bất chấp quy định xử phạt cho hành vi này có khi lên đến 5-7 triệu đồng. Nhiều nơi, rác từ các hàng quán, khu chợ, rác sinh hoạt gia đình đều được đưa… ra đường. Những bãi rác tự phát cũng tồn tại dưới biển "Cấm đổ rác" từ ngày này qua ngày khác.
Khi chúng tôi ghi hình bãi rác tự phát trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp, TP HCM), một người dân chạy lại cảnh báo: "Làm gì thì nhanh nhanh rồi đi kẻo người ta đánh đó! Ở đây chủ yếu là hàng quán, chợ búa nên dân ra đường vứt rác cho đỡ tốn tiền. Người nơi khác cũng đến đây vứt ké nữa. Người ta vứt rác riết rồi thành bình thường".
Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm... Thế nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm, việc hút thuốc lá vẫn diễn ra ở bến xe, trường học, bệnh viện...
Trưa 5-5, tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, TP HCM), một nhóm thanh niên ngồi cùng nhau, chia thuốc lá rồi thản nhiên quẹt lửa hút dù xung quanh đầy biển cấm. Chúng tôi kể cho một nhân viên đang quét dọn gần đó, người này lắc đầu: "Tôi đã mấy lần nhắc nhở nhưng họ tỏ ra khó chịu nên thôi. Dù sao thì hút xa khu trẻ em cũng được".
Mới đây nhất, Nghị định 28/2017 có hiệu lực từ ngày 5-5 nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trên các đường Phan Văn Trị, Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, quận 9), 3 Tháng 2 (quận 10)..., tờ rơi, băng rôn quảng cáo trên thân cây, cột điện, trạm biến áp... vẫn nhan nhản.
Một người đàn ông tiểu bậy vào một bức tường trên đường Hùng Vương
Nhiều người thản nhiên hút thuốc lá ở Bệnh viện Nhi Đồng 2
Phát tờ rơi trên đường Tân Kỳ Tân Quý
Quảng cáo dọc xa lộ Hà Nội Ảnh: Quốc Chiến - Sỹ Đông - Hoàng Triều
Khó xử phạt
Theo một lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, sau khi Nghị định 155/2016 có hiệu lực (ngày 1-2-2017), phường đã theo dõi và xử phạt một số trường hợp tiểu bậy trên đường Phạm Văn Đồng. Muốn xử phạt, cán bộ phường phải mật phục ghi hình, bắt quả tang để có bằng chứng khi người vi phạm cự cãi. Tuy nhiên, việc xử phạt các trường hợp tiểu bậy chỉ diễn ra ở vài phường chứ chưa thể nhân rộng ra các quận, huyện khác.
Theo chủ tịch một phường ở quận Thủ Đức, hiện nhiều quy định giao về cấp phường không thể thực hiện được. Đơn cử như xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn (Nghị định 155/2016). Một số người dân không biết phân loại, nếu xử phạt họ thì không khả thi. Việc xử phạt người tiểu bậy hoặc hút thuốc lá nơi công cộng cũng chỉ có thể áp dụng được với người có phương tiện chứ người đi bộ thì "bó tay".
"Người đi xe máy vi phạm còn có thể tạm giữ phương tiện hoặc giấy phép lái xe để buộc họ nộp phạt nhưng người đi bộ thì không thể giữ người hoặc giấy tờ tùy thân nếu phạm luật. Còn lập biên bản, nếu họ khai địa chỉ "ma" thì không thể gửi quyết định xử phạt. Đó là chưa tính đến, một ngày phường giải quyết rất nhiều hồ sơ, giấy tờ, có khi làm từ sáng đến tối chưa xong, người và thời gian đâu để ngày nào cũng ra đường kiểm tra, xử phạt?" - vị này băn khoăn.
Đồng quan điểm, bà Phù Thị Bích Nhi - Phó Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh - dẫn chứng việc lấn chiếm lòng lề đường, chủ nhà vi phạm có địa chỉ rõ ràng nhưng phường vẫn thiếu "công cụ" cưỡng chế nộp phạt. Nhiều trường hợp gửi biên bản nộp phạt đến 5-6 lần, họ vẫn không lên đóng phạt thì... đành chịu.
Theo bà Trương Thị Minh Tín - Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân - với mức phạt cao hơn 5 triệu đồng thì thẩm quyền thuộc cấp quận, quá trình xử lý người vi phạm trở nên phức tạp. Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp đổ rác trộm, phát tờ rơi..., phường phải "tùy cơ ứng biến".
Ví dụ, từ tháng 2-2017 đến nay, UBND phường Bình Trị Đông B phát hiện 10 trường hợp dùng xe tải đổ xà bần, rác trộm. Theo Nghị định 155/2016, mức phạt từ 3-5 triệu đồng, phường chọn mức 4 triệu đồng để xử lý. Sau đó, phường trích 1 triệu đồng thưởng cho người dân, cán bộ tham gia xử phạt. Với các trường hợp người phát tờ rơi, do họ không có tiền, phường áp dụng giải pháp lao động công ích, buộc dọn rác, quét đường...
Thiếu lực lượng chuyên trách
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các quy định không phát huy hiệu quả khi đưa vào cuộc sống. Trước hết, những hành vi như hút thuốc nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, tiểu bậy… đối với một số người đã trở thành thói quen. Trong khi đó, nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, nhất là chưa có lực lượng chuyên trách để xử lý hành vi vi phạm.
"Muốn một quy định pháp luật được áp dụng hiệu quả thì không thể chỉ tăng mức xử phạt để răn đe. Quan trọng là việc thực thi phải quyết liệt, nghiêm túc và phải có lực lượng chuyên trách. Thông qua việc xử lý nghiêm túc, mức xử phạt nặng sẽ nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, gốc rễ vẫn nằm ở ý thức người dân. Vì vậy, phải xây dựng lồng ghép những quy định của pháp luật về vấn đề này vào chương trình giáo dục cho trẻ em, từ đó xây dựng nên một lớp trẻ có ý thức thì tự nhiên những quy định này sẽ phát huy tác dụng" - luật sư Chánh phân tích.
S.Đông
"Bêu" hình ảnh người vi phạm
Từng có thời gian dài sinh sống tại Đài Loan, kiến trúc sư Trần Kiên Long cho biết ở đây không có nhiều thùng rác đặt ở vỉa hè vì đã có những khu tập trung rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, họ có nhiều camera theo dõi để ghi hình. Vi phạm lần đầu bị nhắc nhở nhưng những lần sau sẽ bị bêu hình ảnh lên các màn hình, phương tiện công cộng. Từ đó, ý thức người dân thay đổi dần.
Theo ông Long, nên giao cho các tổ khu phố, cảnh sát khu vực, đội quản lý trật tự xã hội mật phục và xử phạt. Số tiền phạt một phần nộp vào kho bạc, phần còn lại chia cho người lập biên bản và người dân phát hiện sai phạm. Cách làm này vừa nâng cao ý thức vừa khuyến khích người dân cùng nhà nước giám sát các hành vi vi phạm pháp luật.
L.Phong
Bình luận (0)