Sáng 10-6, không khí tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM) thật khác ngày thường khi trung tâm tổ chức lễ mừng thượng thượng thọ cho 2 cụ tròn 100 tuổi. Theo bà Ngô Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, đây là lần đầu tiên trung tâm tổ chức lễ thượng thượng thọ cho các cụ từ khi có Luật Người cao tuổi.
Xúc động lễ mừng thượng thọ
Đó là cụ Mai Thị Hải và cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Cụ Mai Thị Hải sinh ngày 12-4-1920, quê ở xã Trường Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), được đưa vào trung tâm chăm sóc từ năm 2004. Cụ Mai Thị Hải là đảng viên 70 năm tuổi Đảng, mẹ của 2 liệt sĩ, bản thân là thương binh 4/4. Cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết sinh ngày 20-6-1920, quê ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là vợ liệt sĩ. Cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết được đưa vào trung tâm chăm sóc từ năm 1998. Từ ngày về chung mái nhà Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, hai cụ đã trở thành hai người bạn cao niên, thân thiết với nhau vì tình đồng niên và tình đồng chí.
Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè chúc mừng cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết (trái) và cụ Mai Thị Hải tròn 100 tuổi
Mừng thượng thượng thọ hai cụ, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, nghẹn lời: "Không có từ nào nói hết công lao to lớn của hai má đối với đất nước. Cuộc đời của hai má đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng hai má đã kiên cường vượt qua". Ông Nguyễn Quốc Uy bày tỏ rất hạnh phúc khi hai cụ còn đồng hành với đất nước và mong hai cụ tiếp tục có những ngày an vui tại trung tâm. "Má Tuyết thường hay nói "Tui phải ráng sống tới 100 tuổi để lấy khánh vàng" hay "Tui chết là ông phải lo cho tui đó". Má Tuyết nói vô tư, vui vậy thôi nhưng tôi nghe mà thấy nghẹn ngào" - ông Nguyễn Quốc Uy kể. Lễ mừng thượng thượng thọ không chỉ có khánh vàng, vải lụa gửi đến hai cụ mà còn rất nhiều hoa, bánh kem. Đặc biệt là những tiết mục hát, đọc thơ đặc sắc do chính các cụ sống tại trung tâm gửi đến cụ Mai Thị Hải và cụ Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Khi được hỏi, hai cụ móm mém cười, nói: "Hôm nay vui lắm".
"Tôi thấy vui khi sống ở đây"
Bà Ngô Thị Vân Anh cho biết hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 140 cụ, trong đó có 52 cụ thuộc diện chính sách và 88 cụ thuộc diện dịch vụ. Người ít tuổi nhất là 60 tuổi, cao tuổi nhất là 100 tuổi. Mỗi năm vào dịp ngày Quốc tế người cao tuổi, trung tâm đều tổ chức mừng thọ cho các cụ tròn năm như 60 tuổi, 70 tuổi, 80 tuổi, 90 tuổi. Để các cụ giải trí, trung tâm đã kết nối với nhiều tổ chức tình nguyện tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ cho các cụ thưởng thức. Mỗi năm đến giao thừa, Nhà Thiếu nhi TP đều đến tổ chức tiệc đón giao thừa với các cụ.
"Hầu như các cụ vào đây đều rất an tâm vì có đội ngũ y - bác sĩ chăm lo sức khỏe, đo huyết áp, thăm hỏi hằng ngày. Các cụ hay nói ở đây còn có người nói chuyện, thăm hỏi nhau chứ ở nhà với 4 bức tường, buồn lắm. Có những lúc chúng tôi chụp hình, rửa ra gửi các cụ, các cụ rất thích" - bà Ngô Thị Vân Anh kể và cho biết khi vào trung tâm, các cụ đã vơi bớt phần nào những băn khoăn, trăn trở ở bên ngoài để sống vui vẻ hơn.
Là người có 20 năm sống tại trung tâm, cụ Đoàn Thị Luân (88 tuổi) vui vẻ chia sẻ: "Tôi thấy vui khi sống ở đây". Bởi theo cụ Đoàn Thị Luân, nơi đây cụ được chăm sóc chu đáo, không gian sống yên tĩnh, môi trường trong lành khi trước mỗi khu đều có khoảng sân rộng và vườn trồng cây cảnh, trồng hoa. Còn cụ Phan Thị Bích Thủy (69 tuổi, sống tại trung tâm gần 10 năm) khoe mỗi cụ được bố trí một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nơi đây chính là mái nhà chung ấm áp, thích hợp cho những người cao tuổi an dưỡng tuổi già.
Không chỉ là nhiệm vụ, còn là sự tri ân
Theo cụ Đoàn Thị Luân, điều khiến cụ cảm thấy thật ấm lòng chính là tình cảm, sự tận tâm chăm sóc của cán bộ, nhân viên trung tâm, không khác gì tình cảm con cháu dành cho ông bà, cha, mẹ.
Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè Ngô Thị Vân Anh cho biết việc chăm sóc, phụng dưỡng các cụ không chỉ là nhiệm vụ mà cao hơn chính là sự tri ân. Khi các cụ bệnh nặng phải đưa đi điều trị ở bệnh viện bên ngoài, trung tâm đều cử hộ lý theo phục vụ chăm sóc. Khi các cụ qua đời có mai táng phí, có nhà tang lễ, phòng thờ di ảnh hương khói cho linh hồn các cụ được ấm áp.
Bình luận (0)